Cuộc gặp gỡ đầy xúc động với hai cựu binh lái xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975
Tối qua (28/4) tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Hào khí Việt Nam" hướng tới kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022).
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhá báo Việt Nam nhấn mạnh: "Chương trình giao lưu nghệ thuật "Hào khí Việt Nam" được tổ chức là những giai điệu khắc sâu, để tưởng nhớ và tri ân các nhà lãnh đạo tiền bối; các anh hùng liệt sĩ và đồng chí, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước".
Chương trình đồng thời cũng lan tỏa những thông điệp của tình yêu, ý chí và của khát vọng Việt Nam. Đó là tình yêu đất nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng cường, hoà bình và hạnh phúc.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định thêm rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Thời kỳ cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975): ở miền Bắc, báo chí vừa phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, vừa đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, xây dựng cuộc sống mới, góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới.
Ở miền Nam, báo chí tập trung phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Báo chí đã trở thành lực lượng tuyên truyền, cổ động, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược. Hơn 20 năm trường kỳ kháng chống Mỹ cứu nước, báo chí đã có sự đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là giai đoạn huy hoàng, với nhiều nỗ lực vượt bậc, nhiều chiến công rực rỡ, nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh của những người làm báo trên cả nước.
"Phát huy tinh thần của đại thắng Mùa Xuân năm 1975, chúng ta chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn-thách thức, thực hiện bằng được mong ước của Bác Hồ kính yêu: "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", xứng đáng với sự hy sinh to lớn, cao cả của đồng chí, đồng bào, của các anh hùng liệt sỹ.
Đội ngũ những người làm báo trên cả nước cần phải ra sức học tập đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, phong cách; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng".
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động với hai người lính lái xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Một trong những điểm nhấn của chương trình chính là cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa hai anh em nhà báo chiến trường kỳ cựu Trần Mai Hạnh – Trần Mai Hưởng với hai cựu binh lái xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Tại chương trình, nhà báo Trần Mai Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam kể lại những ngày tháng Tư lịch sử với những kỷ niệm không thể quên của một nhà báo chiến trường, vinh dự được có mặt trong giờ phút lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính thức ghi dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, Bắc – Nam sum họp.
Đặc biệt, sự xuất hiện đầy bất ngờ của cựu binh Trần Bình Yên và Nguyễn Bá Tứ là người lính lái xe tăng và pháo thủ trong bức ảnh xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 mà nhà báo Trần Mai Hưởng đã chụp được khi có mặt tại đó khiến các khách mời vỡ òa. Cả bốn người ôm chầm lấy nhau, không thể ngăn được những dòng nước mắt.
Hai người cựu binh trở về từ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam năm xưa run run khi chia sẻ cảm xúc của mình. Dù chiến tranh đã lùi xa, non sông đã nối liền một dải được 47 năm nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử được lái xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn vẫn còn rõ mồn một trong trí nhớ của họ. Tới mức MC Lê Anh phải hỏi một câu "Trong câu chuyện chú kể, có chi tiết nào mà chú nhớ nhưng bỏ qua không?".
Chương trình "Hào khí Việt Nam" còn tái hiện lại những tháng năm lịch sử bằng những phóng sự chân thật và sống động cùng những bài ca đi cùng năm tháng do các nghệ sĩ như: NSND Tạ Minh Tâm, NSND Quốc Hưng, Lan Anh, Anh Thơ, Hoàng Tùng, Phạm Thu Hà… thể hiện. Phần âm nhạc của chương trình đã đưa đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt.
Một số hình ảnh trong chương trình "Hào khí Việt Nam":
No comments