Nhạc sĩ Hồng Đăng qua lời kể của đồng nghiệp: "Con người thẳng thắn, có "tâm Bồ Tát" - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua lời kể của đồng nghiệp: "Con người thẳng thắn, có "tâm Bồ Tát"

Sáng 21/3. nhạc sĩ Hồng Đăng, chủ nhân của các tác phẩm bất hủ như Hoa sữa, Biển hát chiều nay đã qua đời ở tuổi 86. Sự ra đi của ông không chỉ khiến công chúng yêu nhạc thương tiếc, mà đó còn là nỗi mất mát to lớn với bạn bè đồng nghiệp. Trong mắt đồng nghiêp, nhạc sĩ Hồng Đăng là con người chân thật và cởi mở, luôn tâm nguyện đưa nền nhạc Việt đi lên.

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua lời kể của đồng nghiệp: "Con người thẳng thắn có "tâm Bồ Tát" - Ảnh 1.

Sáng 21/3. nhạc sĩ Hồng Đăng, chủ nhân của các tác phẩm bất hủ như Hoa sữa, Biển hát chiều nay đã qua đời ở tuổi 86. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Thụy Kha: "Anh Hồng Đăng là người có "tâm Bồ Tát"

Nhạc sĩ Thụy Kha – người đã gắn bó với nhạc sĩ Hồng Đăng trong những năm tháng rực rỡ nhất sự nghiệp chia sẻ với Dân Việt rằng, Hồng Đăng là nhạc sĩ tài hoa, có tâm và có tầm ảnh hưởng lớn.

"Nhạc sĩ Hồng Đăng có phong cách sáng tác đặc biệt, viết nhạc trữ tình nhiều bài lời rất ngắn nhưng đầy xúc cảm, nhạc cách mạng thì hào hùng nhưng dễ thuộc, còn nhạc thiếu nhi gần gũi và ý nghĩa với mọi độ tuổi. Từ thuở bé tôi đã yêu mến những ca khúc của anh Hồng Đăng, nhưng mãi tới năm 1982, chúng tôi mới gặp gỡ nhau.

Lúc đó tôi có một kịch bản phim hoạt hình là Có 1 sớm gà trống không gáy, nên đã mời anh tham gia làm nhạc phim, tôi đã có duyên biết anh và được vinh dự làm một người bạn, người chiến hữu của anh trong những tháng năm sau này.

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua lời kể của đồng nghiệp: "Con người thẳng thắn có "tâm Bồ Tát" - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Thụy Kha đồng hành cùng nhạc sĩ Hồng Đăng trong những năm tháng rực rỡ nhất sự nghiệp. Ảnh: NVCC

Đến năm 1989, khi anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V và Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc, anh tiếp tục mời tôi về cộng tác cho tạp chí. Chúng tôi cùng nhau sát cánh, xây dựng những bài viết có giá trị về nghệ thuật.

Phải nói rằng, anh Hồng Đăng là con người có "tâm Bồ Tát", luôn nghĩ cho anh em nhạc sĩ rồi mới đến mình. Anh làm mọi thứ để đảm bảo điều kiện cuộc sống của anh em, tự mình kêu gọi, lo toan kinh phí trang trải từng cuộn băng cassette, từng quyển sách để chúng tôi có có điều kiện sáng tác tốt nhất.

Là người đồng hành với anh Hồng Đăng trong không ít các cuộc thi, chương trình âm nhạc, hơn ai hết tôi hiểu rõ những đóng góp to lớn của anh tới sự phát triển của âm nhạc. Như hồi năm 1994, khi tôi và anh cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình ca nhạc đồ sộ Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam

Vào thời điểm ấy, trong tình hình chính trị và xã hội lúc đó, để có 4 đêm nhạc vừa đầy chất sử thi, vừa tràn trề trữ tình như thế, quả là không dễ. Nhưng với bản lĩnh và ý chí của mình, anh Hồng Đăng đã vượt qua hàng loạt những ý kiến gay gắt để "đứng mũi chịu sào", bảo vệ chương trình ca nhạc tầm vóc này.

Tôi tin rằng, vị trí của nhạc sĩ Hồng Đăng sẽ luôn in sâu và khó thể thay thế trong lòng công chúng".

Nhạc sĩ Lân Cường: "Nhạc sĩ Hồng Đăng là người thẳng thắn, không ngại phê phán tiêu cực"

Về người đàn anh mình hết mực kính trọng, nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ với Dân Việt:

"Để nói về sự nghiệp và tài năng xuất chúng của nhạc sĩ Hồng Đăng, chúng ta có thể ngồi chia sẻ với nhau cả mấy ngày cũng chẳng hết vì với tình yêu âm nhạc cháy bỏng, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có cho mình hơn 700 tác phẩm đa dạng thể loại, từ nhạc đỏ, nhạc trữ tình, nhạc giao hưởng, cho tới nhạc phim. 

Nhưng dĩ nhiên, khó ai yêu nhạc Hồng Đăng mà quên được bộ 5 ca khúc bất hủ: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm (sáng tác cùng với nhạc sĩ Thế Bảo) Kỷ niệm thành phố tuổi thơhợp xướng Lửa rực cháy, đều đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật".

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua lời kể của đồng nghiệp: "Con người thẳng thắn có "tâm Bồ Tát" - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ rằng nhạc sĩ Hồng Đăng là con người thẳng thắn, không ngại phê phán tiêu cực. Ảnh: NVCC

Kể về những kỷ niệm với "cha đẻ" của ca khúc "Hoa sữa", nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ: "Nhạc sĩ Hồng Đăng tốt nghiệp khóa đầu tiên của lớp Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Việt Nam – PV), nên anh là người đàn anh, là cây "đại thụ" mà chúng tôi vô cùng kính trọng. 

Cứ mỗi dịp 15 hàng tháng, hội viên Hội Nhạc sĩ lại có buổi gặp mặt tại Hội Âm nhạc Hà Nội ở 19 Hàng Buồm, chúng tôi vẫn quen với sự tham gia của anh Đăng. Anh ấy là một con người cởi mở, chân thành và đặc biệt rất coi trọng đàn em.

Mỗi khi có ý tưởng mới trong nghệ thuật, anh Hồng Đăng thường bỏ đi cái tôi của một nghệ sĩ lớn, mà thường xuyên hỏi ý kiến, tham khảo nhận xét và cảm nhận của chúng tôi, đó là điều tôi vô cùng quý trọng. 

Anh là nhạc sĩ cón nhân cách lớn, có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Dù đôi lúc anh có hơi thẳng thắn, có gì không vừa ý là nói thẳng, nhưng rốt cuộc lại chẳng để bụng. Với những người xung quanh anh thường đối xử chân thật, hiền lành và tử tế. Các học trò cũng đặc biệt yêu mến anh vì điều này.

Trước khi anh mất không bao lâu, tôi đang ấp ủ một dự án cho riêng mình, đó là quay lại những hình ảnh của các nhạc sĩ gạo cội, nó chắc chắn sẽ là tư liệu quý giá với chúng ta sau này. Lúc ấy khi tôi đến nhà anh, vợ còn bảo rằng anh vẫn còn yếu nên không quay phim được, hẹn tôi dịp khác tới. Vậy mà giờ anh đã về cõi tạm, để lại trong tôi cũng bạn bè đồng nghiệp lẫn công chúng yêu mến anh vô vàn thương tiếc".

No comments