Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương

Một: Cây cầu làng tôi                        

Từ thuở người dân từ miền ngoài vào đây sinh sống, ban đầu những nơi đất cao làm ruộng lúa nhờ nước trời, về sau khoảng năm 1870 đã biết khai thác đất hai bên bờ sông nước mặn từ biển vào tạo ra nghề làm ruộng muối, giúp người dân làng tôi có nghề diêm dân. Công việc tuy có vất vả, một nắng hai sương nhưng người dân có việc làm từ sau Tết Nguyên đán đến tháng Tám Âm lịch khá ổn định.

Trong một làng mà có con sông thì việc qua lại của người dân sống đôi bờ khá bất tiện. Bên Bắc muốn đi xa phải lội sông sang bên Nam mới có đường Quốc lộ 1A, muốn đi chợ xã đã có con đường cặp núi không qua Tuyết Diêm  Nam cho người đi bộ, bên Nam hay Bắc muốn qua lại với nhau đi theo lối này đường vòng rất xa nên phải đợi con nước ròng đến bến lội chỗ nước cạn vén quần lội sang rồi cuốc bộ để tới nơi. 

Người khá giả thì có thể đi bằng xe đạp đến bến lội vác xe lên vai lội sang bên kia rồi đạp xe theo bờ sông tiếp bờ ruộng đi đến nơi. Phải canh lúc con nước ròng mới trở về bến lội để sang sông, thật là bất tiện. Vì không có nhiều người đi hằng ngày nên không có đò đưa đón như những nơi khác. Đã từ đời này sang đời khác kéo dài hàng mấy trăm năm như vậy. Thấy việc này bất tiện, nhưng người có trách nhiệm với làng không bắc được cây cầu nối đôi bờ. Có lẽ ngày xưa vật liệu xây cầu quá cao nên không đủ kinh phí làm cầu.

Ngày trước, ruộng muối là của một số người, nhưng dưới thời thực dân Pháp đô hộ nước ta, chúng thu thuế muối rất cao, quản lý rất nghiêm ngặt, người có ruộng muối vẫn nghèo, phải làm thêm những nghề khác để sống. Cả làng chỉ có ba người nhà tường gạch lợp ngói, còn lại toàn nhà tranh vách đất, người lao động tuy có việc làm, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, Hợp tác xã được thành lập, người lao động là xã viên đời sống được cải thiện, bây giờ không còn nhà tranh vách đất, tất cả đều lợp ngói hoặc tôn vách xây gạch, nền gạch men khang trang, đúng là cuộc sống đã đổi đời, nhà nào cũng vài ba chiếc xe gắn máy để chở muối, đi lại, yêu cầu cần có cây cầu bắc qua đôi bờ Nam - Bắc để cưỡi xe chứ không phải lội qua sông như trước. Phúc lợi đã có. Việc xây cầu đã được tiến hành. Vậy là cầu qua sông nối hai bờ của làng đã níu hai ấp của làng lại gần nhau hơn. Bây giờ khi có việc cần qua lại, nhất là khi hội họp người dân chạy xe bon bon đến nơi vừa nhanh và tiện lợi vô cùng.

Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương - Ảnh 1.

Cây cầu nhỏ nối hai bờ làng Tuyết Diêm. Ảnh: Nguyễn Xuân Ba

Những năm gần đây đời sống người lao động làng tôi được chính quyền và Nhà nước chăm lo nhiều hơn, phòng Thương mại Thị xã Sông Cầu kêu gọi các nhà đầu tư chế biến muối, đăng ký thương hiệu muối Tuyết Diêm là muối ngon không chỉ của tỉnh mà cả miền Trung. Trung ương đầu tư 185 tỷ đồng xây 11 km bờ kè quanh đầm Cù Mông có đoạn chạy qua bìa đồng ruộng muối  làng tôi, bờ kè lót nền xi măng rộng xe tải nhỏ chuyên chở muối rất tiện, thay cho sức người gánh từ ruộng ra QL1A đưa lên ô tô. Có bờ kè này thêm con đường đi lại giữa làng tôi sang xã Xuân Hải thêm thuận lợi.

Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương - Ảnh 2.

Bờ kè quanh đầm Cù Mông ra QL1A, đoạn thôn Tuyết Diêm. Ảnh: Nguyễn Xuân Ba

Song, cây cầu nối hai bờ của làng Tuyết Diêm vẫn là con đường giao thông gần hơn, thuận tiện hơn cho Nam - Bắc gần nhau.

Ra Bắc vào Nam ngồi trên ô tô chạy qua cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cầu Hàm Rồng qua sông Mã, cầu Tràng Tiền qua sông Hương thơ mộng, cầu Đà Rằng qua sông Đà Rằng thành phố Tuy Hòa quê tôi cho tới cây cầu dây văng hiện đại nối đôi bờ sông Cửu Long, nhìn những cây cầu to lớn, dài mút tầm mắt, lòng tôi nao nao nhớ về cây cầu nhỏ bắc sang sông quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn càng thấy yêu tha thiết quê hương. 

Hai: Cây cầu nối đường hai tỉnh Phú Yên - Bình Định              

Hai tỉnh Phú Yên - Bình Định cách nhau bởi con đèo Cù Mông, tên gọi này cũng dùng cho đầm Cù Mông nằm trên các xã Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải của thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên. Việc đi lại giữa hai tỉnh trước kia cũng như ô tô chạy Nam - Bắc chỉ độc nhất trên tuyến Quốc lộ 1A qua con đèo Cù Mông này.

Đèo Cù Mông là con đèo không cao như đèo Cả - ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Hải Vân - ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, nhưng có những khúc cua khá nguy hiểm.

Người dân các xã Xuân Hòa, Xuân Hải muốn đi xa phải dùng ghe sang QL1A nên có bến đò ông Nhộng một bên thuộc xã Xuân Hòa, một bên xã Xuân Cảnh. Khi may mắn đến gặp con đò sắp rời bến sông thì đỡ mất thì giờ, không gặp dịp có khi chờ cả tiếng đồng hồ con đò mới lại sang rước đi.

Sau ngày giải phóng, lãnh đạo hai tỉnh Bình Định - Phú Yên thống nhất mở con đường chạy từ thành phố Quy Nhơn đến gặp QL1A trên địa phận xã Xuân Cảnh, thuộc Thị xã Sông Cầu đặt tên Quốc lộ 1D Quy Nhơn - Sông Cầu. Con đường này chạy cặp biển Đông bên đường có nhiều bãi biển như bãi Xép, bãi Rạng… rất đẹp. Cuối con đường là đầm Cù Mông nên phải xây cây cầu nối con đường 1D vào Quốc lộ 1A, được mang tên hai tỉnh: cầu Bình - Phú (*).

Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương - Ảnh 3.

Cầu Bình - Phú trên QL1D, nối Quy Nhơn - Sông Cầu. Ảnh: Nguyễn Xuân Ba

Kể chuyện làng: Hai cây cầu quê hương - Ảnh 4.

Cầu Bình - Phú ra QL1A. Ảnh: Nguyễn Xuân Ba

Từ ngày có cầu Bình - Phú, bến đò ông Nhộng không còn, có cầu người dân sống các xã bên kia đầm cần sang QL1A đi lại rất nhanh chóng, thuận tiện, không còn cảnh "muốn qua sông phải lụy đò" nữa.

Nhờ có cây cầu Bình - Phú, con đường 1D không chỉ rút ngắn quãng đường Sông Cầu - Quy Nhơn 15 km, không qua đèo Cù Mông hiểm trở mà ý nghĩa to lớn hơn nhiều là các địa phương phía Bắc Phú Yên đưa hàng xuất khẩu ra cảng Quy Nhơn rất gần, thuận lợi hơn vào cảng Vũng Rô Nam Phú Yên.

Tên cây cầu Bình - Phú không chỉ là ghép chữ đầu của hai tỉnh mà nó thật sự góp phần đưa người dân Bình Định - Phú Yên đặc biệt là Quy Nhơn - Sông Cầu gần lại và có cuộc sống thanh bình - trù phú.       

(*) Cầu Bình - Phú cách địa giới làng Tuyết Diêm 2 km trên QL1A.  

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

No comments