Lê Thế Song: Từ yêu tha thiết làn điệu dân ca thành "kỷ lục gia" kịch hát dân tộc
Lê Thế Song: Từ yêu tha thiết làn điệu dân ca thành nhà viết kịch
Nhà viết kịch Lê Thế Song tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nam – nơi vẫn được xem là "vũng quê chiêm trũng" của châu thổ sông Hồng. Nơi đây, bên những cánh đồng lúa bát ngát vẫn luôn văng vẳng những điệu chèo ấm nồng giai điệu quê hương. Làng Ngò quê hương anh cũng có một chiếu chèo nổi tiếng đã đi vào dân gian "Rượu Bèo, chèo Ngò".
Từ bé anh được "tắm mát" trong những làn điệu, câu ca ngọt ngào, đằm thắm và những tích trò sinh động hơn thơ ca. Tình yêu đối với chèo cứ lớn dần lên trong tâm hồn "ngan ngát thơ ca" của anh lúc nào không ai hay biết.
Mối duyên đối với việc sáng tác chèo được khởi phát lên từ những ngày Lê Thế Song viết bài hát cho đội chèo của làng, xã… thông qua chương trình đưa nghệ thuật đến cộng đồng. Cụ thể hơn đó là anh cùng bà xã Xuân Hồng từng có những ngày tháng làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của vợ chồng anh là về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tài, đào tạo họ thành những nồng cốt văn nghệ cộng đồng để phục vụ chính cộng đồng mình.
Từ công việc này, Lê Thế Song đã có cơ hội biết thêm nhiều câu ca, điệu hát, tích trò… ở những vùng quê mình đặt chân đến. Và tâm nguyện "muốn làm gì đó cho nghệ thuật truyền thống" đã thôi thúc anh viết nên nhiều kịch bản, dàn dựng nên nhiều chương trình để phục vụ người dân thôn quê.
Bao nhiêu năm gắn với bó với công việc này, Lê Thế Song cùng bà xã Xuân Hồng đã đặt chân đến khắp mọi miền tổ quốc như: Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên… đã giúp anh có thêm nhiều trải nghiệm và đến gần hơn với di sản văn hóa quý báu của ông cha. Vốn di sản ấy cứ tích lũy dần lên ngày một dày dặn và đa chiều, giúp anh nghĩ đến những điều lớn lao hơn.
Năm 2011, vợ chồng anh quyết định theo học lớp Biên kịch Kịch hát dân tộc (K31 Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Đây là lớp học được hình thành sau 10 năm mới có 1 khóa đào tạo biên kịch Kịch hát Dân tộc tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Và cho đến bây giờ, sau 10 năm cả khóa ra trường, chỉ còn mỗi vợ chồng anh là "thủy chung" với nghề viết.
"Vợ chồng tôi cùng học 4 năm Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, sau đó học tiếp 3 năm Thạc sĩ biên kịch, được các thầy truyền kĩ năng, phương pháp sáng tác, cộng với vốn kiến thức dung nạp được từ thực tế cuộc sống nên mới có chất liệu sáng tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được các thầy trao truyền, động viên khích lệ, viết cả chèo, tuồng và cải lương…
Trải qua những năm tháng gắn bó với công việc này, tôi nhận ra rằng, đúng là không có nghề nào dễ dàng, nhất là nghề biên kịch kịch hát dân tộc. Bản thân tôi thấy ngoài việc chăm chỉ học tập, phải yêu nghề, say đắm với kịch hát dân tộc như tôi yêu sân khấu Chèo từ nhỏ thì mới theo nghề đến bây giờ", nhà viết kịch Lê Thê Song bày tỏ.
Lê Thế Song: Neo hồn quê trong từng vở diễn
Theo nhà viết kịch Lê Thế Song, tính đến nay anh đã viết được gần 100 kịch bản thuộc nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau (chèo, tuồng, cải lương), trong đó khoảng 45 kịch bản đã được các nhà hát và đoàn nghệ thuật dàn dựng thành tác phẩm sân khấu. Nhiều tác phẩm của anh khi được các đơn vị mang đi tham gia các Liên hoan hoặc Hội diễn về sân khấu chuyên nghiệp đều đoạt giải cao.
Trong Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, Lê Thế Song có 6 vở đứng tên tác giả kịch bản, 4 vở đoạt Huy chương Bạc. Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2019, vở diễn "Chuyện tình trên bến Nam Sang" của anh được Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng cũng đoạt 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc.
Năm 2021 do dịch bệnh kéo dài nên anh chỉ có 4 tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng như: Vở "Nguyễn Văn Cừ" – Nhà hát Chèo Quân đội; "Cây gậy thần" (Kịch bản văn học của cố tác giả Hoàng Luyện) – Nhà hát Chèo Thái Bình; chuyển thể "Người mẹ Hà Thành" – Nhà hát Chèo Hà Nội và vở cải lương xiếc "Thượng thiên Thánh Mẫu" - Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Những ngày đầu năm 2022, anh đang ấp ủ viết một vở chèo cho Nhà hát Chèo Nam Đinh về cố Tổng Bí thư Trường Chinh; một vở chèo cho Nhà hát Chèo Bắc Giang về Yên Tử. Đoàn Cải lương Long An cũng đang đặt hàng anh viết vở về "Sự tích gạo nàng Thơm", Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đặt vở về tướng Trần Quốc Tảng – con trai của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Anh cũng sẽ dành nhiều tâm huyết để viết một vở về chùa Bà Đanh – danh thắng nổi Hà Nam để dành tặng cho quê hương.
Không dừng ở việc sáng tác kịch bản sân khấu, Lê Thế Song còn mở rộng tình yêu của mình sang lĩnh vực âm nhạc. Tính đến nay, anh đã có gần 40 bài hát về chủ đề ca ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đây là những bài hát do anh tự soạn lời mới theo các làn điệu.
"Đều là kịch hát dân tộc nhưng mỗi loại hình có cách thể hiện khác nhau, trong đó, nghệ thuật chèo là thuần Việt nhất. Cải lương có thể tiếp thu được tất cả các loại hình nghệ thuật để đưa vào. Có một điểm chung là tất cả các tác phẩm kịch hát dân tộc cần phải có lề lối của ngôn ngữ biền ngẫu. Ngôn ngữ này gần với thơ, làn điệu của mỗi loại thì phải học thôi.
Có gần 200 làn điệu chèo, 60 – 70 làn điệu tuồng, cải lương khoảng 150 làn điệu phổ biến…. không thuộc hết lời nhưng nghe phải biết được giai điệu và cách sử dụng của nó. Ví dụ: Đào liễu, Quân tử dịch, luyện Năm cung như thế nào, lý Sâm thương, lý Năm căn, lý Chiều chiều, lý Ba tri, Phụng hoàng, Nam ai là như thế nào… Phải biết đặc trưng, ngôn ngữ của từng thể lọai và tình huống kịch bản và các lớp diễn, trò diễn", Lê Thế Song chia sẻ thêm.
Lê Thế Song cho biết, bản thân anh là người ưa thích khai phá những cái khó và thích đưa các câu chuyện dân gian lên sân khấu. Với những đề tài về lịch sử - văn hóa, anh luôn có một nguồn cảm hứng bất tận và càng viết anh càng ngộ ra khơi mở được nhiều "lớp sương mờ ảo" của lịch sử/nhân vật lịch sử.
"Tác giả sân khấu không thiếu người có tâm huyết, nhưng kịch bản viết ra không được sử dụng, bởi số lượng vở diễn được dàn dựng ngày càng giảm đi mỗi năm. Tác giả bươn chải với cuộc sống mưu sinh và bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố khiến tác phẩm thiếu lửa, thiếu hấp dẫn.
Tôi cho rằng mình là người may mắn khi vợ tôi, Thạc sĩ Xuân Hồng - con gái của cố tác giả cải lương Hoàng Luyện (người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước) luôn ủng hộ. Cô ấy là người thẩm định kịch bản đầu tiên của tôi và sẵn sàng góp ý, đóng góp và thậm chí tranh luận để tôi điều chỉnh và hoàn thiện tác phẩm.
Sống trong một gia đình nghệ sĩ, tôi được thừa hưởng kho sách quý của bố vợ với những tác phẩm lớn như Nắng tháng Tám, Bà mẹ bên sông Hồng, Chử Đồng Tử… tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách bố cục, kết cấu kịch bản. Hậu thuẫn và hậu phương như vậy thì không có lý do gì mà tôi không vững bước để theo con đường sáng tác.
No comments