Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Thú chơi câu đối Tết
Ngoài các lễ hội truyền thống, Tết Việt còn có các trò giải trí, vui chơi như diễn tích tuồng, đánh đu, cờ người, cờ thẻ... trong đó chơi câu đối là một trong những thú vui độc đáo nhất. Thú chơi này tao nhã, đậm chất trí tuệ, mang ý nghĩa xã hội và tính thời sự sâu sắc.
Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nó được xem là tinh hoa của văn hóa dân tộc.
Câu đối gồm nhiều loại như: Câu đối mừng (mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới...), câu đối phúng, câu đối Tết, câu đối thờ… Trong đó, phổ biến nhất là câu đối Tết, làm để dán nhà, cửa, đền, chùa... vào dịp Tết Nguyên đán.
Ngày xưa, câu đối thường do các cụ đồ nho hay chữ sáng tác đồng thời cũng là người thể hiện bằng chữ viết trên giấy đỏ. Hình ảnh cụ đồ "bày mực tàu, giấy đỏ" bên hè phố hay trước cổng chợ mỗi năm Tết đến để viết thuê câu đối đã trở thành "người muôn năm cũ" bởi khi in ấn phát triển, nét đẹp văn hóa có tự bao đời đó dần dần bị mai một.
Tết của tuổi thơ tôi ngày ấy, nhà nào cũng treo câu đối mua ở hiệu sách hay cửa hàng cung tiêu của hợp tác xã. Câu đối in bằng mực đen trên nền giấy đỏ có hoa văn màu vàng hay màu gạch nhạt. Người ta treo hoặc dán câu đối hai bên cột nhà ở gian giữa nơi có bàn thờ tổ tiên.
Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tạm ngưng, miền Bắc được hưởng những cái Tết trong im ắng đạn bom. Thế cho nên ngày Tết, mọi người chú ý trang hoàng nhà cửa hơn tuy cũng đơn giản thôi. Phổ biến nhất là bức họa tiết in khổ lớn với câu "Năm mới thắng lợi mới!" (thời ấy chưa có mừng Đảng, mừng Xuân) treo chính giữa nhà phía trên bàn thờ tổ tiên, rồi tranh lục bình hoa, tranh Đông Hồ cá chép trông trăng và câu đối Tết.
Làng tôi hồi ấy có cụ Cao Danh Khoa nổi tiếng văn hay chữ tốt. Cụ là cán bộ Ty Nông nghiệp Nghệ An về hưu nhưng lại đam mê văn chương, nhất là câu đối. Tết năm nào cụ cũng có thơ, có câu đối đăng trên báo địa phương. Thời ấy được thế là oách lắm, cả làng cả xã ai cũng nể phục cụ. Mỗi độ Tết đến Xuân về, cụ trở thành nhân vật "đặc biệt" vì thể nào cũng có câu đối, thơ tặng xã nhà, xướng ngâm trong lễ mừng thọ các cụ cao niên sáng mồng 4 Tết.
Cụ thường hay qua lại nhà tôi vì bố tôi là đương kim lãnh đạo xã, và có lẽ cả vì tôi là bạn của con trai út cụ. Nhờ những cuộc "giao lưu" như thế (hóng chuyện thơ phú, câu đối của cụ) mà máu văn chương vốn đã sẵn trong tôi lại càng được hâm nóng hơn. Tôi đam mê câu đối từ đó.
Rồi bắt chước cụ, tôi cũng mày mò tập làm câu đối. "Sáng tác" được câu nào, tôi lấy làm sung sướng lắm. Lại bò ra trên bàn, kẻ vẽ câu đối bằng cách tận dụng mặt sau của câu đối cũ hay giấy vở học sinh dán nối bốn năm tờ lại với nhau. Mỗi tiếng của câu đối thường được thể hiện trong khuôn hình chữ nhật, hình tròn hoặc elip. Tôi thích nhất là loại chữ hình tròn, nó vừa đẹp vừa thể hiện được sự sáng tạo của người viết.
Tết Quý Sửu năm 1973 là cái Tết đầu tiên hòa bình ở miền Bắc, bởi Hiệp định Pari vừa được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân về nước. Lần đầu tiên sau hàng chục năm binh lửa, hai miền Nam – Bắc có cơ hội được đón Tết cổ truyền mà không còn phải nơm nớp nỗi lo bom đạn, chết chóc.
Tết Quý Sửu ấy, không chỉ quê tôi – nơi vừa mới trải qua cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt – mà cả miền Bắc rực rỡ trong cờ hoa, trong hào khí chiến thắng. Năm đó, tôi 16 tuổi, cái tuổi đã hiểu được chút ít lẽ đời, cũng cảm thấy sung sướng, tự hào không kém gì người lớn.
Trong cái hừng hực của hào khí chiến thắng, cảm hứng thi ca chợt đến. Và thế là tôi cũng cho ra được mấy câu "thơ" trẻ con:
Sông dài, biển rộng, núi cao
Đỏ cờ chiến thắng, nắng hào gió tung
Cất cao giọng hát hào hùng
Vui cùng cả nước chiến công lẫy lừng.
Và oách nhất, tôi làm được đôi câu đối, nóng lòng mong cụ Khoa đến nhà chúc Tết để khoe: Vui Tết Bảy Ba (1973), cả nước ra quân giành đại thắng/Mừng Xuân Quý Sửu, hai miền đánh Mỹ lập công to. Thật không gì sướng bằng khi nghe tôi đọc xong, cụ khen liền hai tiếng: "được", "được".
Mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua. Đời người thật ngắn ngủi. Nhưng ký ức thì còn mãi, dù thời gian cố tình làm cho nó nhạt phai.
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
No comments