Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Giao thừa ai nấu bánh xuân
Dù không phải năm nào nhà tôi cũng có điều kiện để gói được nồi bánh Tết. Ấy nhưng nỗi ngóng mong của lũ nhỏ bọn tôi cứ hoài nguyên vẹn. Thường phải những năm trúng mùa hoặc được chủ nợ cho khất má mới gói ghém mua gạo nếp, thịt mỡ và đậu xanh gói bánh, trước cúng ông bà tổ tiên sau để các con ăn cho đã thèm.
Để có những đòn bánh thơm dẻo, khâu chuẩn bị bao giờ cũng kỳ công. Đó gần như là sự gắn kết của tất cả thành viên trong gia đình, mỗi người mỗi việc. Từ hăm bốn hăm lăm, ông nội đã dặn tía tìm mớ lác xanh về để ông chẻ lạt.
Chiều hăm tám, chúng tôi chạy theo chân má ra vườn rọc lá chuối đem phơi. Từ trước một đêm, má một tay ngâm đậu, ngâm nếp, xắt thịt mỡ rồi ướp với gia vị cất vào thùng xốp trữ lạnh. Ngày gói bánh, vừa hừng đông má đã vút đậu, vút nếp ra thau, trộn đều tay lần nữa những sợi thịt mỡ đã dậy mùi thơm phức. Bà nội vừa nhai trầu vừa cầm khăn tỉ mẩn lau lá cho má mặc sức khéo tay.
Tía tranh thủ đào một hộc lò sau vườn gần cự củi nội để dành qua tháng qua năm trong khi lũ nhỏ bọn tôi chạy chơi trước hàng ba, không quên xin má gói cho mấy cái bánh lá dừa "chay" với số nếp thừa khi hết nhân mà dễ chừng ngon không gì sánh được.
Ký ức tuổi thơ tôi ngộ đời là vậy. Tết không phải bắt đầu khi những cơn gió bấc hây hẩy thổi về cái lạnh se sắt, cũng không phải những ngày giữa Chạp cùng chị lặt lá hai cây mai tứ quý trước sân. Tết là lúc mấy chị em được ấm áp quây quần cạnh bếp lửa canh nồi bánh Tết sôi sùng sục dưới bầu trời đầy sao, bên chiếc trả mẻ miệng nội khoanh tròn cái rơm con cúi ngún khói để đuổi muỗi.
Trời đêm cuối năm miên man lạnh, chúng tôi hay "khởi động" bằng trò rồng rắn vòng quanh bếp lửa trên tàu dừa. Chơi chán thì sà xuống chiếu nghe bà kể chuyện đời xưa. Sau cùng sẽ bày trò thi thố coi ai thức giỏi hơn mà kết quả bao giờ cũng là điều bí mật.
Sau này lớn khôn, khi đã lặn ngụp qua bao bước đường cơm áo; mỗi độ nghe gió heo may chớm hay ngắm một nụ mai nở sớm đâu đó là chị nhắn: Tết lao xao rồi! Tôi ừ đấy, nhưng trong tâm khảm vẫn còn tha thiết cũ xưa. Có lần tôi hỏi: Hai nhớ không, thiếu một cái gì nữa mới giống Tết? Chị bật cười: Đối với mấy chị em mình, chưa thấy nồi bánh tét đêm 30 là Tết chưa về.
Tôi tin có những khoảnh khắc mà cả đời này tâm hồn mình nặng mang. Nó như trở thành thứ hành trang để tôi mang theo suốt hành trình trở thành người lớn. Thì ra suốt một chặng đường dài mãi đến khi tuổi đời chồng chất, ký ức Tết của những năm tháng vô lo nghĩ mà mấy chị em mang theo không phải là những phong lì xì đỏ chót, cũng không phải bộ đồ mới chiều 30 má ký sổ mang về, mà là cảm giác được ngồi túm tụm canh lửa nồi bánh xuân, rạo rực không vì những đòn bánh mang vị Tết ấm no mà háo hức hơn cả là được nghe bà kể hàng bao câu chuyện cổ tích diệu kỳ trong đêm trừ tịch.
Tôi không nhớ mình đã nghe bao lần sự tích Bánh chưng bánh dày mà vẫn không biết chán. Mỗi lần nghe lại là mỗi lần mang cảm giác mới mẻ, hoặc là do mấy chị em mỗi ngày một lớn, hoặc là qua lời kể của nội mẫu truyện đã vượt ra khỏi giới hạn cổ tích, huyền thoại để trở thành một câu chuyện đời.
Nội bảo bánh tét miền Nam là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa trên đường mở cõi khai hoang. Nhưng dẫu cho hình thức bánh Tết cổ truyền Nam - Bắc có khác nhau thì suy cho cùng đều mang ý nghĩa của sự đùm bọc, là khát vọng sum họp, đoàn viên và có chung nguồn gốc của lòng biết ơn nguồn cội.
Câu chuyện cây lúa mà tinh hoa là lúa nếp cũng là câu chuyện yêu thích của mấy chị em mà khi ngồi canh lửa bánh Tết nội vẫn thường kể đi kể lại. Hồi ấy có năm nhà tôi cũng tự tay trồng lấy lúa nếp để gói bánh cúng ông bà. Đó thường là những năm có đủ cơm trắng để ăn và ít nhiều không còn bị ám ảnh cảnh tiền vay gạo hỏi.
Tía dành riêng một mẫu đất nhỏ cạnh vườn để xuống giống vụ đông xuân. Ruộng nếp cả công tầm cấy nhưng rồi mùa chỉ được năm sáu giạ vì sâu rầy, chuột bọ. Từ những bó lúa sau mùa gặt phải qua đạp giã giần sàng rồi mang phơi sương mấy lửa mới ra hạt nếp dẻo ngon trở thành phẩm vật quý giá mang gói bánh dâng cúng ông bà.
Vì sao gần gũi như lúa gạo được coi là quốc bảo kỳ trân? Nội cũng nhắc nhở về xuất thân của đại đa số người Việt là những người nông dân trồng lúa. Cái quý nhất cuối cùng chính là cái mình thấy gắn bó, thân thiết và yêu thương nhất.
Phải đến khi thấm đẫm nỗi đời lòng tôi mới hiểu để thêm yêu đồng ruộng, quê hương; biết trân trọng từng hạt lúa thơm nuôi cho đời sự sống. Nội luôn miệng gọi gạo là hạt ngọc, dạy các cháu thương lúa để biết hàm ơn gốc gác: Hạt giống gieo vào đất tan mình để mọc lên cây, cây lớn lên lại nuôi những hạt vàng dẫu sau cùng phải trở về là rơm rạ.
Sau này mấy chị em tôi vì mưu sinh phải muôn đường xuôi ngược. Nhưng mỗi lần cạn Chạp, má đều gọi lên hỏi: Tết này gói bánh không con? Quanh mình chẳng còn ai gói nữa đâu, cô bảy, bác tám biểu chi cho mất công, có ai ăn đâu, bánh trái ê hề, con tư con năm mua về toàn của ngon thức lạ. Chắc là một vài người đã quên hoặc chưa bao giờ được nghe những câu chuyện bà kể để tôi chợt thấy mình thật "giàu có" thay. Người ta rồi phải sống làm sao với vật chất đủ đầy mà tâm hồn luôn túng thiếu?
Ngoài kia có những lời phàn nàn Tết bây giờ thật khác. Nhưng mỗi lần nhìn mấy đứa cháu nhỏ của tôi nôn nao hỏi bao giờ đến Tết là tôi lại như thấy chính mình thuở nào. Hỏi đứa cháu gái nhỏ vì sao con mong Tết, cô bé hồn nhiên đáp: Để được ăn bánh tét, được nhận lì xì và mặc quần áo mới mẹ mua. Bất giác tôi mỉm cười. Tết khác đi hay do chính chúng tôi đã già đi, chẳng còn là những cô bé cậu bé lên tám lên mười với tâm hồn vô lo nghĩ.
30 Tết. Vẫn thấy các cháu tôi háo hức ngồi canh lửa bên nồi bánh Tết. Niềm khát khao mong ngóng vẫn vậy. Những trò chơi vẫn chẳng khác nhiều. Và tôi nhận ra chính mình phải có bổn phận trao truyền lại cho dấu gạch nối của mình những câu chuyện mà bà tôi đã kể ngày xưa.
Ngồi bên bếp lửa, tôi lại thì thầm sự tích Lang Liêu, kể về giấc mơ ho
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.àng tử gặp thần, nghe thần dạy rằng: "Trong trời đất, không gì quý cho bằng hạt gạo..."
No comments