Kể chuyện làng: Ngóng mạ về chợ - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Kể chuyện làng: Ngóng mạ về chợ

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung hiền hòa, bình dị. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ trong cái đói của những ngày cơ cực. 

Quê tôi có 2 cái chợ, chợ Mỹ Chánh (chợ họp vào buổi sáng nên gọi là chợ sáng) và chợ Ưu Điềm (chợ họp vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều). Anh em tôi lúc đó còn quá nhỏ nên chẳng giúp đỡ gì cho mạ. Ngoài công việc đồng áng với ba, mạ tôi còn phải gánh vác chuyện bếp núc, chuyện chợ búa hằng ngày. Vài ba ngày mạ đi chợ một lần. 

Mỗi lần đi chợ, mạ gánh trên vai cả đôi quang gánh, khi thì bó rau, khi thì rổ khoai, thúng sắn. Mang đến chợ bán các thứ mình làm ra, mạ mua mớ tôm, mẹt cá và các thứ lặt vặt cho gia đình. Nhà tôi cách chợ sáng, chợ chiều đều trên 4 cây số. Các o, các chị trong làng xắn ống quần lên quẫy gánh đi bộ đều đặn sớm chiều. 

Niềm vui lớn nhất của những đứa con nít ở quê tôi lúc đó không gì bằng những lần được mạ cho đi chợ theo. Anh em tôi đứa nào cũng cố gắng chăm chỉ quét nhà, trông em, mạ sai gì lo làm nấy để tranh nhau được mạ cho đi chợ. Đi bộ hơn 4 cây số mà chẳng biết mệt. Cái cảm giác hồi hộp, vui sướng khi được lon ton chạy sau lưng mạ trên con đường quanh co đến chợ. Bởi đó là "phố" trong mắt những đứa trẻ quê thuở ấy.

Kể chuyện làng: Ngóng mạ về chợ - Ảnh 1.

Con đường nơi ngày trước anh em chúng tôi ngóng mạ đi chợ về. Ảnh: Trần Văn Toản

Tôi nhớ như in ngày nào mạ có đi chợ là anh em chúng tôi ngày đó đứng ngồi không yên. Mạ thức dậy từ sớm để đi chợ sáng, chừng 11 giờ trưa mới về, chợ chiều thì khoảng 4, 5 giờ mới lên tới nhà. Vì thế, cứ đúng giờ đó, 3 anh em tôi lại mong ngóng mạ về. Ngồi ở nhà không yên, nếu mạ đi chợ sáng thì cả 3 đứa chạy ra đứng ngã ba đường, cạnh con mương dẫn nước vào ruộng, còn nếu mạ đi chợ chiều thì kéo nhau đến mô đất trước hợp tác xã nông nghiệp đưa mắt ngóng cho xa, nhìn cho rõ. 

Còn gì vui bằng khi thấy bóng mạ thấp thoáng từ xa. Chúng tôi nhảy cẫng lên, reo hò: "A, mạ về. Hoan hô mạ chợ về". Cũng có không ít lần 3 anh em nhìn nhau ngại ngùng bởi đang reo hò bỗng phát hiện không phải mạ khi đến gần vì cũng quần đen, áo bà ba và chiếc nón đã bạc màu.

Kể chuyện làng: Ngóng mạ về chợ - Ảnh 2.

Đường đến chợ Ưu Điểm (chợ hôm) ở quê tôi. Ảnh: Trần Văn Toản

Mạ vào nhà, chưa kịp đặt đôi quang gánh xuống, anh em chúng tôi đã đứng vây quanh. Mắt mở to háo hức nhìn vào thúng mủng xem hôm nay mạ mua những thứ gì. Quà (ở quê hay gọi là hàng) cho chúng tôi có khi là bì chè, có khi là cái bánh ram, có khi là quả thị hay mấy cái kẹo cau (làm từ bột, đường), bánh tráng… 

Với những đứa trẻ quê chừng đó cũng sung sướng lắm rồi. Nhiều lúc mạ mua về chia không đều, 3 đứa lại cãi nhau, rồi bị ba đánh cho vài roi mới chịu thôi. Có những buổi chợ ế, không đủ tiền mua thức ăn, mạ phải cắt khoản "ăn hàng" của anh em tôi. Vậy là mặt đứa nào cũng sầm xuống, con út mếu máo khóc, mạ phải dỗ nó nín. Còn tôi và thằng Tí thì mặt như mất sổ gạo nhưng không dám khóc vì sợ ba mắng: "Con trai mà đòi ăn hàng quen miệng".

Cuộc sống đổi thay, ngày nay về các miền quê rất ít thấy những o con gái, những bà, những mệ gánh một gánh nặng trên vai đi bộ đến chợ. Mọi thứ đều được chở trên xe máy hoặc xe đạp. Nhiều quán mọc lên, rồi nhiều chị chở xe vào từng nhà để bán. Vì thế chợ quê bây giờ có vẻ cũng ít đông hơn và vãn cũng sớm hơn. Cuộc sống khấm khá, miếng ăn không còn phải chật vật, lo lắng nên cũng qua rồi hình ảnh trẻ em làng quê đứng ngồi không yên ngóng trông  mạ đi chợ về.

Xa quê lập nghiệp, giữa bao bộn bề của cuộc sống, nơi phố thị đông đúc, nhiều lúc bắt gặp bóng hình người phụ nữ nhỏ nhắn trong đôi quang gánh tảo tần bỗng chạnh lòng nhớ về chợ quê, về mạ tôi những ngày gian khổ, chợt nhớ về những câu thơ của Ngọc Phú: "Chợ chiều họp ở cuối thôn/ Hoàng hôn mẹ gặp hoàng hôn của người".  "Gom vào thúng, đựng vào niêu/ Hầu bao của mẹ thắt nhiều lo toan/ Mẹ ngồi rổ rá dọc ngang/ Nửa nuôi con lớn, nửa san kẻ nghèo/ Hoàng hôn lợp xuống mái chiều/ Trầu cay thì đậm, bọt bèo thì tan".

 

                                                                  

                                                                               

 

                                                             

No comments