Vĩnh biệt nhà thơ Trúc Thông: "Rồi mọi sự đều trở thành cát bụi, cuối cùng ở lại vẫn là cái tình..."
Tôi không sao làm việc được nữa khi các con chữ cứ nhảy múa trước mắt hỗn loạn. Tôi buông máy tính. Tôi thần người và tự sợ những giây phút bất lợi trong một cơ thể vốn thần kinh ốm yếu của tôi. Ra phòng văn vội nắm lấy cọ, chọn lọ màu. Màu và cọ cũng không làm tôi an lặng.
Tôi mở cửa ra với con chó Handsi. Từ ngày em nó, con chó Hand đen đi, con chim khướu cũng chết, hình như chú chó Phú Quốc thương tôi hơn. Từ đêm, nó vụt tới bên tôi, áp cái mõm vào lòng bàn tay trái đau nhức bấy nay.
- Handsi ơi, mày có biết ông Trúc Thông vừa mất rồi không? - Tôi muốn nói với nó lời ấy mà không sao nói được. Tôi vuốt ve bàn tay lành lên nó... để mặc nó an ủi tôi dúi mõm vào tôi với cái mõm có đám lông rất mềm và vài cái ria không hề cứng.
4 giờ 30 sáng, Trần Đăng Khoa điện hay tôi điện thoại, (tôi không nhớ chắc), nhưng điều rất chính xác là tụi tôi bàn với nhau kế hoạch tuần tới ra Tạp chí Tết... ba số 4,5,6; 600 trang; hơn tháng rưỡi trời, Tạp chí của Hội, không phải việc rỡn.
Chuyện đang rổn rảng thì lại chuông reo. Thanh Chương điện.
Trời ơi, ông ấy đang đứng trước cổng. Giá rét thế này! Tôi xin lỗi Khoa, ngắt máy và tất tưởi ra đón bạn.
Họa sĩ danh tiếng bạn tôi lọ mọ từ tận Gia Lâm đến nói với nhau nửa tiếng rồi ông lại tất tưởi ra đi... Chao ôi, mới chỉ uống với nhau một tách trà. Chuyện có gì đâu, thương tôi, ông đến giục tôi buông sạch "mà ông nên nghĩ đến thằng Bọ Gậy..."
Chương đi rồi tôi trở lại bàn viết trong khu vườn nhà cũng có thể gọi là mênh mông im lặng.
Tôi chợt bé nhỏ lặng im.
Tôi chợt nhớ tới thi sĩ Trần Lê Văn và vài lời cụ Văn nói về Trúc Thông, vài lời ấm áp khá hay về "Bờ Sông Vẫn Gió" vài năm trước khi cụ Văn lặng lẽ ra đi.
Tôi chợt nhớ tới Năm ngón tay trong "Chân dung và đối thoại" của Lão Khoa đã đặt Trúc Thông ở vị trí thứ Nhất, ở một bài rất ngắn, hoàn toàn không có từ "ngón tay dài nhất" trong bàn tay Lục Bát... Ông Trúc Thông có "bờ sông vẫn gió" đong nước mắt của biết bao người, sau cái bài văn ngắn, bằng nghệ thuật "ngôn ngoại ý tại" thần tình của Lão Khoa - nước mắt trong đó có tôi; nhất là khi tôi bên xứ người xa xôi, dầm chân trong tuyết lạnh, bỏng tay trong băng cứng mà vẫn nhớ thương cậu mợ tôi đã ở bên kia bờ... để sông tôi vẫn gió. Trúc Thông nói hộ bao người bằng bài thơ ngắn Lục Bát thần tình hay, trở nên thần tình tình.
Lịch sử thi đàn Việt Nam sẽ không có hồi kết cho một Trúc Thông rằng, ông ngồi ở đâu trong thi pháp cách tân - hiện đại. Nhưng, 17 giờ chiều tôi nghe Khoa nói, sớm nay ông sẽ đọc điếu văn tiễn "Cây thơ Trúc Thông" ra đi. Điếu văn do ông nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thi sĩ Hữu Thỉnh viết.
Vị trí việc này của Nguyễn Quang Thiều chứ! Vâng, ông Nguyễn Quang Thiều có lịch họp không thể bỏ. Tôi - Trần Đăng Khoa nhận việc thuộc dạng đại lễ này vốn dành cho mỗi con người theo quan niệm văn hóa thuộc tính người đâu chỉ tộc Việt, hay hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
Bờ sông vẫn gió. Gió chưa khi nào đứng lại trên địa cầu này. Cái sự lặng của nó mà bạn không nhận thấy vẫn thổi ở các dòng khí đối lưu đấy thôi...
Mọi sự đều cát bụi hư vô anh Thông ơi! Như cuộc đời anh bao nhiêu điều mà thiên hạ đang nói về anh cũng chỉ là những ngọn gió thổi sau bước chân anh đã sang bờ kia với đất Địa Đàng, xum họp với cha mẹ anh và các thi nhân, bè bạn anh...
Vậy, ông Trạng Trần Đăng Khoa hai lần tiễn ông đi.
Bên bờ này dịu dàng, ba mươi năm trước, Khoa làm một làn gió nhẹ để thêm biết bao người đọc nhận rõ thêm một giá trị thuộc từ Mỹ trong thơ của ngọn gió Trúc Thông, của màu vàng và xanh ở "Cây Thơ Trúc Thông".
Lần này, ở giây khắc cuối cùng này, Khoa lại đưa tiễn ông sang Bờ bên kia, âu cũng như lời cuối cùng vĩnh biệt của cái tình.
Thế là hai lần ông Khoa tiễn ông Trúc Thông đi. Lần đầu lên trời và lần Hai về đất, hay đúng hơn là sang bờ bên kia xa rời cõi trần tục còn đương nhiên lắm gió này.
Tất cả đều hư vô cả anh Thông của em ơi, nhưng còn lại ở bên này với đôi bờ này vẫn là một tấm lòng hay một tấm tình tài hoa đến thế!
Tất cả chỉ là hư vô thôi, mà đọng lại ở phía sau mỗi cuộc mãi ra đi vẫn chỉ cái tình. Kẻ nào dù tài ba đến mấy không giữ trọn vẹn cái tình, nhất là tình cha con, vợ chồng vạ, ở chuyện này là tình bè bạn, đồng nghiệp... liệu có vẹn tròn một chữ tài không?
Vâng, hư vô, có gì ở lại vẫn chỉ một chữ tình anh Thông ơi!
Ô hô! Anh Thông ơi, bờ sông vẫn gió, dòng sông vẫn gió... chỉ dẫn một bài thôi mà vẹn tròn hai từ thật là tài tình...
Xin cúi đầu vĩnh biệt!
Em không đi tiễn anh được, vái vọng vài từ thô lậu chân thành như thắp 1 nén hương lành tiễn anh!
Ngọc Hà làng, 1 giờ 59 phút, ngày 27/12/2021
Nhà thơ Trúc Thông qua đời vào sáng 26/12 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông) sinh năm 1940 ở Bình Lục, Hà Nam, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu, ông làm việc tại Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam.
Ông từng xuất bản nhiều tập thơ: Chầm chậm tới mình (1985), Ma-ra-tông (1993), Một ngọn đèn xanh (2000), Vừa đi vừa ở (2005), Trúc Thông thơ (2014), cuốn bình thơ Mẹ và em (2006), Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013), lý luận phê bình Văn chương ngẫu luận (2003) ...
Trong đó, bài thơ Cao Bằng của ông được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2. Là một nhà cách tân thơ, nhưng bài thơ được nhiều người biết tới và yêu thích của ông lại là một bài thơ lục bát là bài Bờ sông vẫn gió. Ông nhận Giải thưởng Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 – 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000. Ông cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 5 - năm 2016.
Lễ truy điệu và đưa tang nhà thơ Trúc Thông sẽ được tổ chức vào 8 giờ 15 phút ngày 27/12, an táng tại quê nhà ở Bình Lục, Hà Nam.
No comments