Kể chuyện làng: Bát cháo ngọt thanh của bố
Mỗi dịp hè về, tôi nôn nao gói ghém hành lý của mình, rộn ràng đón xe về quê sau những tháng lên Hà Nội học tập. Vì dịch bệnh, năm nay tôi được ở nhà với bố mẹ lâu hơn, dịp hè là lúc con gái của bố được thưởng thức đặc sản miền quê vùng biển, thấm đẫm chang chang cồn cát miền Trung.
Lớn lên và trưởng thành ở vùng đất cồn cát, vị muối biển mặn mà, làn da xám nâu đã in dấu sự riêng biệt con người nơi đây. Gia đình và bố tôi cũng vậy, gắn mình với sông biển, với trời phú thiên nhiên trao tặng. Mùa hè là mùa thưởng thức những hương vị hải sản, từng tàu thuyền kéo nhau lũ lượt cập bến sau những ngày đêm vất vả đánh bắt xa bờ. Ngày đó, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh xem hôm nay bố đưa gì về. Hôm thì bố đưa về cá tươi rói, ghẹ chắc thịt, ngày bố gói ghém cẩn thận những con mực, cá đã tự tay chế biến và phơi khô.
Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngày hôm đó, áo bố lấm lem, toàn thân ướt đẫm, trên tay xách một túi đựng đầy những con vẹm xanh mướt, bố nói: "Bố mới đi lặn bắt vẹm về nấu cháo nè!". Lúc ấy, tôi vội vã xắn tay cùng bố rộn ràng làm sạch vẹm, nấu cháo, cảm giác chỉ biết nhìn và giúp bố, không nhắn nhủ được điều gì. Hè đến, vẹm cũng dồi dào, chúng thường sinh sống, ẩn nấp, dính chặt ở các gốc đá, bò lổm chổm thành từng hàng dài đan xen nhau, để bắt được vẹm, bố tôi đợi nước biển lên, lặn mình gỡ từng con, bố cũng không biết mình đã trải lòng, yêu quý biển từ khi nào.
Công đoạn chế biến vẹm rất cần sự tỉ mỉ, cần mẫn và chịu khó của người làm, bố thủ thỉ với tôi như thế. Bố hướng dẫn tôi từng chi tiết, muốn vẹm nhả cát, mình phải ngâm nước vài tiếng, sau ngâm rửa lại với nước sạch hai đến ba lần để giảm vị muối biển, bố rửa chăm chút từng con.
Tiếp đến cho vẹm sạch vào nồi, đổ nước ngập, tôi phụ bố nhóm lửa, đặt nồi vẹm lên đợi sôi. Bí quyết nhận biết vẹm chín của bố là vẹm tự nhả vỏ, đảo đều từ dưới lên, tránh bỏ sót con chưa chín, vỏ vẹm nhả nhìn nồi đầy ăm ắp. Ngồi trông nồi, trước mắt tôi hiện lên cảnh nhả vỏ của vẹm, sức nóng của lửa đã bật tách cái vỏ phòng vệ, che chở của nó, lần lượt mở những lớp thịt trắng tinh của mình, nắp nồi cũng được nâng lên vì số lượng vẹm nhả vỏ ngày càng nhiều. Tôi nghĩ tham lam sẽ nhiều thịt để nấu cháo lắm đây, lúc bắc nồi xuống, tôi hơi ngỡ ngàng vì sự tham lam của mình.
Bố với tôi lại tất bật với công đoạn bóc thịt tiếp theo, vỏ lớn nhưng thịt của vẹm chỉ chiếm 4/10 cơ thể, bước này dành thời gian khá lâu. Sau khi xong bố chắt nước luộc và rửa vẹm lại với nước sạch, vo sạch cát trong thịt. Cũng gần chạm đến kết quả, bố tôi ngâm vuốt gạo để trôi đi những hạt thóc, cám còn sót lại, bóc những múi hành khô thơm lừng, bằm bằm từng chút một. Mỗi lần nấu ăn, nghe tiếng lách cách, bằm gì đó ở thớt nghe thật thích tai, cảm giác như ai đó là đầu bếp chuyên nghiệp vậy.
Bếp chính bắt đầu vào bếp sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng nguyên liệu. Bố tôi dùng luôn nước đã luộc thịt để cho vào cùng gạo, nước vẹm sẽ tạo độ thanh, ngọt cho cháo. Sau 20 phút nấu cháo, bố sẽ nêm nếm vừa đúng khẩu vị của thành viên trong gia đình, tiếp theo là phi một chút dầu với hành và ớt bột tạo độ màu bắt mắt, kích thích vị giác. Tiếng xèo xèo thơm nức của hành là công đoạn cuối cùng hoàn thành nồi cháo vẹm ngọt thanh của bố.
Nhiệm vụ của tôi là cắt hành lá vào cháo, làm chút nước chấm đậm đà thêm hương vị món của bố, tôi đã chực chờ sẵn với bát đũa có ngay trên bàn và chờ mẹ đi làm về rửa tay nữa là cả nhà cùng thưởng thức. Được ăn cháo vẹm mùa này thật sự là "ngon hết sẩy" vì độ thanh, ngọt, mát. Thưởng thức xong một bát cháo vẹm, tôi thấy cái nóng oi bức của miền Trung dường như dịu nhẹ đi.
Một buổi sáng tỉ mỉ cần mẫn của bố đã lưu giữ những bí quyết nấu cháo vẹm trong tôi, vị ngọt của vẹm xen lẫn vị ngọt chịu khó lặn gỡ từng con vẹm trên đá, nấu bữa cháo ngon, dinh dưỡng cho gia đình. Kỷ niệm hè thật đáng nhớ về người bố đầu bếp của gia đình tôi, tháng đó mùa hè thật dài và thật nhiều ý nghĩa.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments