Biên kịch Trịnh Khánh Hà: Dù "bê tông hóa" thế nào thành thị và nông thôn vẫn khác nhau
Sau thành công của những bộ phim về gia đình, tình yêu, hình sự... gần đây, đề tài nông thôn đang xuất hiện trở lại trong phim truyền Việt Nam, tạo thêm sắc màu mới cho khán giả. Mảng phim truyền hình về nông thôn đã vượt qua khó khăn nội tại để trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, đề tài nông thôn cũng đem đến cho các nhà làm phim những khó khăn.
Nhà biên kịch Phạm Khánh Hà cho biết, trở ngại lớn nhất của phim về nông thôn chính là bối cảnh. Thường thì bối cảnh về đề tài này vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay.
Hơn nữa, hiện nay nhiều làng quê đã dần tiến hành "hiện đại hóa" nên nhiều nét xưa cũ không còn được nguyên vẹn gây khó khăn cho ê-kíp làm phim trong việc xây dựng bối cảnh. Là một trong những người tạo ra không ít "bom tấn" phim truyền hình, biên kịch Trịnh Khánh Hà trải lòng với Dân Việt chuyện làm nghề.
Trở ngại lớn nhất của phim đề tài nông thôn là bối cảnh
Chào biên kịch Trịnh Khánh Hà! Theo chị, trở ngại lớn nhất khi làm phim truyền hình về đề tài nông thôn là gì?
- Trong những năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực đa dạng hóa đề tài các bộ phim phát sóng trên truyền hình. Nếu nói về trở ngại, tôi nghĩ là đề tài nào cũng có khó khăn và trở ngại cả. Đương nhiên là các khó khăn trở ngại ở mỗi đề tài, thể loại đều khác nhau.
Đối với phim về đề tài nông thôn, có lẽ trở ngại lớn nhất là bối cảnh. Chúng tôi đa phần phải đi rất xa mới có được bối cảnh mình cần. Đồng thời, trong quá trình sản xuất cũng có nhiều những phát sinh, khó khăn do việc hạn chế của điều kiện sản xuất, điều kiện sinh hoạt của đoàn làm phim mang lại.
Trở ngại thứ 2, chính là khán giả. Đề tài nông thôn vẫn là một đề tài kén khán giả, phải luôn cân nhắc để cân bằng được việc đa dạng hóa đề tài, nhưng cũng không thể bỏ qua lượng người xem, hiệu ứng xã hội, quảng cáo,...
Ngày nay, nhiều làng quê đã "phố hóa" hay "bê tông hóa". Vậy theo chị, việc xây dựng bối cảnh gặp khó khăn gì?
- Hiện nay nhiều làng quê đã "phố hóa", "bê tông hóa"... có nghĩa, đó mới là bộ mặt của nông thôn ngày nay. Khi bạn làm 1 bộ phim về nông thôn hiện đại, thì phải mang "bộ mặt" đó vào thì bộ phim của bạn mới chân thật, câu chuyện của bạn mới thuyết phục. Nông thôn trong thời bê tông hóa, khác với nông thời nhà tranh vách nứa.
Mặt khác, cá nhân tôi cho rằng, dù "bê tông hóa" thế nào, thì thành thị và nông thôn cũng vẫn khác nhau, nhìn vào là có thể nhận ra thôi, ít nhất cho đến thời điểm này.
Đó là tôi nói đến việc làm phim về nông thôn đương đại, nếu bạn muốn làm về nông thôn trước đây, kể những câu chuyện thuộc về quá khứ, thì việc phục dựng chắc chắn là khó khăn và tốn kém. Chúng tôi còn phải đi rất nhiều địa phương để chọn được những bối cảnh nhỏ, ghép thành một bối cảnh lớn, con ngõ ở làng A nhưng ngôi nhà liền với cái ngõ có khi ở tận làng B.
Điều này có khiến các nhà làm phim bị hạn chế sức sáng tạo?
- Đạo diễn kể về nông thôn "bê tông hóa", thì họ đã có được bối cảnh họ muốn, bối cảnh chân thật nhất rồi. Tất nhiên, thực tế sản xuất không tuyệt đối hóa như vậy, cũng có khi phải dựng, phục dựng, ghép bối cảnh… cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sáng tạo của đạo diễn…Tuy vậy, câu hỏi này có lẽ các đạo diễn sẽ trả lời chính xác hơn tôi (cười).
Chắc hẳn với khó khăn về bối cảnh, vấn đề về kinh phí sản xuất cũng bị tăng lên đáng kể?
- Làm phim về nông thôn, chúng tôi phải di chuyển đoàn đi đến bối cảnh phù hợp với nội dung kịch bản, một đoàn làm phim bốn mươi, năm mươi người. Có những bộ phim, đoàn phim phải ở lại đó trong thời gian rất dài, điều kiện sản xuất khó khăn, nhiều phát sinh nên chắc chắn kinh phí sẽ đội lên chứ không hẳn do dựng, phục dựng bối cảnh.
Làm phim "xưa" thì khác. Đối với dòng phim này, bối cảnh sẽ là khó khăn cực lớn, không chỉ là tốn kém kinh phí, tiền bạc thôi đâu.
Đa phần dân số chúng ta tập trung ở nông thôn nhưng mỗi vùng nông thôn lại khác nhau
Theo chị, yếu tố khiến các phim về đề tài nông thôn hấp dẫn khán giả?
- Tất cả những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn ở các bộ phim đều giống nhau. Kịch bản tốt (bao gồm câu chuyện thú vị, nhân vật hấp dẫn, thông điệp giá trị), đạo diễn giỏi, diễn viên phù hợp với vai diễn… Cá nhân tôi cho rằng, một bộ phim nông thôn hấp dẫn khán giả, đầu tiên phải là một phim khiến cho khán giả cảm thấy chân thật, gần gũi, để họ tin đã. Điều này khó, vì đa phần dân số của chúng ta tập trung ở nông thôn, nhưng mỗi vùng nông thôn lại rất khác nhau.
Có rất nhiều bộ phim truyền hình làm về đề tài nông thôn. Vậy trước mỗi tác phẩm mới, nhà làm phim cần làm gì để tạo sự mới mẻ, không bị trùng màu sắc với các bộ phim trước đó?
- Muốn một bộ phim khác với những bộ phim trước đó, thì đầu tiên kịch bản phải khác biệt đã. Câu chuyện bạn muốn kể, vấn đề xã hội bạn quan tâm, đối tượng nhân vật bạn muốn khai thác, góc nhìn, màu sắc phim…
Đó là những điểm chúng tôi lưu ý khi xây dựng những kịch bản có cùng đề tài, có rất nhiều thứ bạn có thể làm khác đi, tất nhiên không phải là làm sai đi. Tôi lấy ví dụ, cùng nội dung về thanh niên nông thôn ngày này, bạn chỉ cần thay đổi màu sắc hài sang bi, thì đã khác hẳn nhau rồi. Cá nhân tôi thấy rằng, hãy thật đời sống, thì sẽ có khác biệt. Vì không có gì đa dạng hơn cuộc sống cả.
Khi đã có kịch bản, mỗi bộ phận lại có những đóng góp khác nhau. Biên kịch khác nhau, cách kể chuyện sẽ khác nhau, đạo diễn khác nhau, màu sắc phim sẽ khác nhau, cũng 1 mẫu nhân vật nhưng 2 diễn viên khác nhau cũng mang đến những thú vị riêng.
Với chị, đề tài nông thôn có khiến chị hứng thú và hiện tại hoặc tương lai chị có tiếp tục theo đuổi phim với dạng đề tài này?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, có lẽ chất "nông thôn" đã chảy trong huyết quản của mình rồi! Có thể nói đây cũng chính là phần chất liệu mà tôi có nhiều thực tế, nên cũng có sự tự tin nhất định.
Trong những năm vừa qua, tôi làm biên tập không ít phim về nông thôn, gần nhất là "Cô gái nhà người ta", "Mùa hoa tìm lại", sắp tới cũng sẽ có 1 bộ phim nữa cũng chuẩn bị lên sóng. Đề tài này vẫn hấp dẫn tôi và tôi cảm thấy mình vẫn còn có nhiều chất liệu có thể khai thác.
Cảm ơn biên kịch Trịnh Khánh Hà đã chia sẻ!
No comments