Đạo diễn Mai Thu Huyền tiết lộ quy trình phim "Kiều" tranh giải ở "Quả cầu vàng 2022"
Mới đây, trang web chính thức của giải thưởng điện ảnh "Quả cầu vàng" vừa cập nhật danh sách các ứng cử viên tranh tài tại hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" mùa giải 2022. Trong số đó, Việt Nam có hai bộ phim tranh giải là "Bố già" (đạo diễn: Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng) và "Kiều" (đạo diễn: Mai Thu Huyền).
Ban tổ chức "Quả cầu vàng" giới thiệu "Kiều" là phim hành động, lãng mạn, chính kịch được dàn dựng đẹp mắt, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du với 3.254 câu lục bát. Đây là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ngoài ra, Ban tổ chức của giải thưởng này cũng nhận xét phim có thiết kế sản xuất rực rỡ, trang phục đẹp, bắt mắt, nhạc phim sử dụng nhạc cụ cổ. Họ nhấn mạnh Mai Thu Huyền là phụ nữ nên có lòng đồng cảm với nhân vật nữ, muốn phản ánh thân phận phụ nữ thời phong kiến.
Với hạng mục "Best Non-English Language Motion Picture" (Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), bộ tiêu chí nộp phim của "Quả cầu vàng" không đề cập đến việc phim gửi đi phải do cơ quan quản lý điện ảnh của quốc gia sở tại lựa chọn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức "Quả cầu vàng" không giới hạn số lượng phim đăng ký tranh giải đến từ một quốc gia.
Phim "Kiều" liên tiếp nhận được tin vui từ các Liên hoan phim Quốc tế và gần đây nhất được xuất hiện trong danh sách tranh giải "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" của Quả cầu vàng 2022. Cảm xúc của chị thế nào?
Tôi cảm thấy rất vui khi phim "Kiều" liên tiếp nhận được sự đánh giá tích cực từ các Liên hoan phim quốc tế cũng như báo chí và khán giả nước ngoài. Đầu tiên, phim "Kiều" được lựa chọn và công chiếu với tư cách phim Việt Nam tiêu điểm trong "Liên hoan phim Newport Beach lần thứ 22" cùng hơn 100 bộ phim truyện đến từ hơn 50 nền điện ảnh trên thế giới vào cuối tháng 10/2021.
Tiếp sau đó là giải thưởng "Bộ phim xuất sắc nhất của năm" (The most outstanding film of the year) trong sự kiện "Once upon Vietnam" thuộc khuôn khổ "Liên hoan phim thế giới Châu Á" (Asian World Film Festival) do một hội đồng giám khảo độc lập bình chọn vào tháng 11.
Và tin vui mới nhất là phim "Kiều" chính thức nằm trong danh sách "Phim không nói tiếng Anh" tham gia tranh giải "Quả cầu vàng" (Golden Globe Awards) lần thứ 79. Tôi vui vì thành quả của cả ê-kíp đã được ghi nhận xứng đáng và ngày càng có nhiều công chúng quốc tế biết đến đất nước, văn hoá và con người Việt Nam thông qua bộ phim "Kiều".
Quy trình phim "Kiều" tham dự "Quả cầu vàng 2022" được diễn ra như thế nào?
Giải "Quả cầu vàng" (Golden Globe Awards) là một giải thưởng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood trao hàng năm cho các cống hiến xuất sắc trong ngành phim ảnh, cả ở Hoa Kỳ lẫn nước ngoài. Vừa rồi, khi phim "Kiều" đoạt giải trong khuôn khổ Asian World Film Festival (AWFF) nên Ban tổ chức của AWFF đã giới thiệu phim "Kiều" tham gia giải "Quả cầu vàng" vì mục đích chính của AWFF là hỗ trợ quảng bá cho các bộ phim Châu Á đến gần hơn với Hollywood và điện ảnh thế giới. Và may mắn là phim "Kiều" đã đạt các tiêu chuẩn để chính thức được tham gia giải thưởng "Quả cầu vàng" năm nay.
Khi có thông tin phim "Kiều" nằm trong danh sách tranh giải "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" của "Quả cầu vàng 2022" đã có nhiều ý kiến tiêu cực bàn tán về chuyện này. Chị nghĩ sao về những bình luận tiêu cực này?
Khi tham gia giải thưởng "Quả cầu vàng", Ban tổ chức sẽ gửi phim dự thi cho hơn 100 nhà báo mảng giải trí ở khắp các nước trên thế giới xem, rồi sau đó họ sẽ bỏ phiếu bình chọn các phim vào danh sách short list. Cho đến thời điểm này, tôi đều đang nhận được những ý kiến đánh giá tích cực của các nhà báo nước ngoài trên các kênh truyền thông uy tín, chưa có ý kiến nào tiêu cực cả.
Nhìn chung các ý kiến đều đánh giá phim có cảnh quay đẹp, dàn diễn viên diễn xuất tốt, nội dung hấp dẫn và hầu hết họ đều quan tâm đến vấn đề mà bộ phim đề cập. Thông qua việc phản ánh thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bộ phim gián tiếp lên án nạn buôn người. Vì trong cuộc sống hiện đại, vẫn còn rất nhiều người phụ nữ bị biến thành những món hàng để người ta mua bán giống như số phận của nàng Kiều của 200 năm trước.
Chị kỳ vọng vào phim "Kiều" như thế nào trong sự kiện lần này?
Nhìn vào danh sách gần 100 bộ phim không nói tiếng Anh tranh giải từ khắp các nước trên thế giới đã được đăng tải chính thức trên website của Golden Globes thì có thể thấy rất nhiều bộ phim nổi tiếng của các nền điện ảnh mạnh như: Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Mỗi bộ phim đều có thế mạnh khác nhau nên tôi không muốn so sánh, nhưng Phim "Kiều" được tham gia trong 1 giải thưởng lớn tầm cỡ thế giới và tranh tài với rất nhiều bộ phim xuất sắc thì đã là vinh dự rất lớn tôi và ê-kip rồi. Mục tiêu của tôi khi mang phim đi nước ngoài chỉ với một mong muốn duy nhất là quảng bá được đất nước, văn hoá và con người Việt Nam đến với thế giới thông qua tác phẩm điện ảnh thì như vậy là mình đã đạt được mục tiêu đề ra rồi.
No comments