"Quốc ca" của Việt Nam bị “nhận vơ” bản quyền: BH Media nói gì?
BH Media gây bức xúc khi sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca"
Mới đây, trong chương trình Chuyển động 24h, VTV đã lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Thông tin này ngay lập tức gây bức xúc trong dư luận, nhiều chuyên gia âm nhạc, nhạc sĩ cũng như khán giả yêu âm nhạc đều lên tiếng phản đối BH Media, cho rằng đơn vị này đang sai phạm nghiêm trọng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng: "Về luật chưa thể nói họ đúng hay sai, họ có thể có quyền của bản ghi âm do một hãng ghi âm ủy quyền cho họ, nhưng điều đó không có nghĩa họ được phép khẳng định quyền tác giả cũng như quyền ghi âm của những bản tương tự.
Họ sẽ sai nếu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra bằng chứng cho thấy VCPMC đã hết hợp đồng với BH Media. Hiện tại, rất nhiều công ty đã lợi dụng điểm sơ hở này để nhanh chân trục lợi cho mình. Chính điều này đã tạo ra những tình huống hài hước như câu chuyện của bài Quốc ca Việt Nam hiện tại".
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường khẳng định với Dân Việt rằng: "Trong quá trình sử dụng Youtube, người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và YouTube khi có một bản ghi ra đời, rằng tôi đang sở hữu một bài hát và tôi muốn đăng ký content ID là 1 dãy số để sau đó có thể dựa vào dãy số này nhằm truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên, phần chính sách này của Youtube nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh".
BH Media là đơn vị nào?
BH Media là một trong những đơn vị kinh doanh trong ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam. Đơn vị này là đối tác của nhiều nền tảng số lớn trên thế giới như: Youtube, Facebook, TikTok, Spotify... Theo chia sẻ của đơn vị này, trong nhiều năm qua, BH Media đã chuẩn hóa dữ liệu và đăng tải lên YouTube gần 100.000 bản ghi âm nhạc của các ca sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước.
Chia sẻ về những lùm xùm xung quanh bản Quốc ca của Việt Nam - ca khúc Tiến quân ca với Dân Việt, đại diện của BH Media cho rằng: "Là tác giả của Tiến quân ca, cố nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm này. Bất kì ai muốn sử dụng tác phẩm, phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao.
Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc, kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm Tiến quân ca sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kĩ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu".
Đại diện BH Media cũng chia sẻ thêm: "Bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất, tức là Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi. Bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép Hồ Gươm Audio. BH Media, chỉ là đơn vị được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm trên YouTube.
Do đó, khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có ai đó upload video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Nếu người dùng đăng tải bản ghi Tiến quân ca do họ tự đầu tư sản xuất khác với bản của Hồ Gươm Audio, thì YouTube sẽ nhận diện bản quyền. Bởi vậy thông tin "BH Media nhận sở hữu bản quyền cả ca khúc Tiến quân ca" là không chính xác".
No comments