Chuyên gia có lo ngại xu hướng phim ảnh bạo lực? - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Chuyên gia có lo ngại xu hướng phim ảnh bạo lực?

Sau khi sự việc nổ súng khiến một đạo diễn thiệt mạng tại phim trường "Rust", làn sóng phản đối việc sử dụng súng thật trên trường quay dâng cao tại Hollywood. Chính quyền tại hai bang California và New Mexico cũng đe dọa sẽ hành động nếu ngành công nghiệp giải trí không có động thái chấn chỉnh việc sử dụng vũ khí trên trường quay.

Gần đây, sự thành công của bộ phim "Squid Game" cũng khiến cho nhiều người lo ngại. Bộ phim ăn khách nhất thế giới của Netflix khai thác những hình ảnh bạo lực và cái chết của con người một cách trực diện.

Phim ảnh bạo lực tăng cao

Vấn đề bạo lực hóa phim ảnh luôn là chủ đề chưa bao giờ "nguội". Từ thuở "sơ khai", phim ảnh trên khắp thế giới đã coi bạo lực - hành động như một trong những hình hài, cách kể chuyện nổi trội nhất. Từ phim hành động cho tới kinh dị, hay thậm chí là hài - tình cảm, không khó để nhận ra yếu tố bạo lực có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu. Không dừng ở bất kỳ biên giới nào, bạo lực dưới cái "mác" hành động len lỏi tới từng quốc gia, dù cho văn hóa điện ảnh tại đó có khác nhau thế nào đi nữa.

Trong suốt chiều dài phát triển của điện ảnh thế giới, bạo lực trên phim đang có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu từ FandomSpot đối với loạt phim Điệp viên 007 - một trong những thương hiệu phim lâu đời và ăn khách nhất thế giới. Bắt đầu từ bộ phim Dr. No (1962) cho tới phần Quantum of Solace (2008), thương hiệu này có tổng cộng 22 bộ phim.

Chuyên gia lo ngại xu hướng bạo lực phim ảnh? - Ảnh 1.

Phim James Bond của Daniel Craig có số lượng người chết vượt trội. (Ảnh: AP).

Trong phần Quantum of Solace, nhân vật James Bond và các kẻ phản diện có khả năng tấn công nhau cao gấp 3 lần so với những ngày đầu. Các hoạt động tấn công này bao gồm đấm, đá hay sử dụng vũ khí. Nếu như chỉ có khoảng 12 nhân vật thiệt mạng trong Dr. No thì có tầm 33 người chết trong Quantum of Solace.

Cũng theo phân tích này, trước khi No Time to Die ra rạp, vai diễn 007 của Daniel Craig giết người nhiều nhất (235 người), gấp đôi so với các bộ phim 007 do Roger Moore đóng chính (121 người).

Trung bình trong mỗi tập phim, vai James Bond của Daniel Craig giết 59 người, tiếp theo là Pierce Brosnan với 26 người, Moore với 17 người và Sean Connery với 11 người. Điều đó cho thấy từ năm 2000 trở lại đây, mức độ bạo lực trong các bộ phim James Bond ngày càng tăng.

Theo dõi những ảnh hưởng của bạo lực trên phim ảnh đối với xã hội thực tế không hề dễ dàng. Một nghiên cứu từ năm 2013 kết luận rằng bạo lực trong các bộ phim Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1950. Bạo lực có liên quan tới súng đạn trong các bộ phim được xếp hạng PG-13 (tương đương với 12A ở Anh) đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1985.

Chuyên gia lo ngại xu hướng bạo lực phim ảnh? - Ảnh 2.

Một cảnh người chết trong phim "Squid Game". (Ảnh trong phim).

Vào năm 2017, một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng trẻ em xem phim có súng có xu hướng nghịch và thử bắn súng giống như thật hơn bình thường. Cách đây rất lâu vào năm 1993, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã chia sẻ trong báo cáo gửi Bạo lực Thanh thiếu niên, "Hoàn toàn không nghi ngờ rằng mức độ bạo lực đang tăng lên… có liên quan với việc chấp nhận sự tàn bạo và tăng hành vị tàn bạo".

Phần lớn các bộ phim bạo lực đều xây dựng nhân vật chính phải hành động vì "chính nghĩa". Những bộ phim như vậy tạo dựng được sự hào hứng cho khán giả, đồng thời không khiến người xem phải cảm thấy "tội lỗi", hay có nhu cầu làm việc xấu vì những kẻ xấu đều chịu hình phạt thích đáng.

Ý kiến trái chiều về vấn đề phim ảnh bạo lực

Phân tích 37 vụ xả súng và tấn công trường học có chủ đích từ 1974 đến 2000 ở Mỹ, báo cáo năm 2002 của Cơ quan Mật vụ và Bộ Giáo dục cho hay hơn một nửa số kẻ tấn công "thể hiện sự hứng thú" với bạo lực qua phim ảnh, trò chơi điện tử, sách và các phương tiện truyền thông khác.

Theo nghiên cứu kéo dài bốn năm của Caroline Fitzpatrick, trợ lý Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sainte-Anne (Canada), trẻ em tiếp xúc nhiều với phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực sẽ có tâm lý chống đối xã hội hơn. Các hành vi biểu hiện bao gồm: nói dối, thiếu ăn năn, thiếu đồng cảm và thao túng người khác.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Craig Anderson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực tại Đại học Bang Iowa, việc tiếp xúc với phim ảnh bạo lực chỉ là một trong nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi hung hăng và bạo lực sau này, bên cạnh việc mang định kiến thù địch, thuộc cộng đồng thiểu số bị phân biệt đối xử, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, từng bị bạo hành thể xác và bắt nạt. Hơn nữa, hành vi bạo lực cực đoan không bao giờ xảy ra khi chỉ có một yếu tố nguy cơ.

Chuyên gia lo ngại xu hướng bạo lực phim ảnh? - Ảnh 3.

Một cảnh trong phim Kẻ hủy diệt do Arnold Schwarzenegger thủ vai chính. (Ảnh trong phim).

Theo tờ The Guardian, diễn viên kỳ cựu Arnold Schwarzenegger nói rằng, truyền thông cần tách biệt những bộ phim hành động với các vụ xả súng ngoài đời. “Chúng ta phải phân tích những gì liên quan đến tâm lý, bệnh tâm thần, luật sử dụng súng và cách nuôi dạy con để đưa ra kết luật”, tài tử 74 tuổi chia sẻ.

Nhà làm phim gạo cội Quentin Tarantino - người chuyên sản xuất phim hành động, bạo lực - cũng cho rằng vấn đề lớn nhất của bạo lực là kiểm soát súng và sức khỏe tâm thần.

Mặc dù vậy, theo The Conversation, trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho hai nhóm người xem bộ phim The Fugitive (1993). Một nhóm được xem một bộ phim nguyên bản, trong khi một nhóm khác được xem một phiên bản có toàn bộ cảnh bạo lực đã được cắt. Mặc dù vậy, cả hai nhóm đều thích bộ phim như nhau.

Phát hiện này cùng với một số nghiên cứu khác cho thấy rằng, việc loại bỏ hình ảnh bạo lực không làm cho mọi người cảm thấy nhàm chán khi xem phim. Thậm chí có bằng chứng cho thấy mọi người thích các phiên bản phim không bạo lực hơn.

No comments