Đạo diễn Hoàng Điệp: "Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ" - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đạo diễn Hoàng Điệp: "Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ"

Văn hóa là thứ ở trong mình

Đạo diễn Hoàng Điệp: "Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ" - Ảnh 1.

Đạo diễn Hoàng Điệp - người trẻ nhất trong tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức. Ảnh: Phạm Hưng

Là một người trẻ, đạo diễn Hoàng Điệp nhận ra, có rất nhiều tầng nghĩa trong câu nói của Hồ Chủ tịch "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Bằng tuổi đời và trải nghiệm của mình, nữ đạo diễn thừa nhận mình đã may mắn được thụ hưởng, thực hành văn hóa khác với giai đoạn trước.

Với đạo diễn Hoàng Điệp cho rằng: "Nếu soi đường như ánh sáng ngọn đuốc, chiếu trên một con đường định sẵn, đã được kiểm tra và giờ mới đi theo thì không giống mường tượng của tôi".

Theo nữ đạo diễn lý giải: "Văn hóa là thứ ở trong mình, sinh ra mình đã có ở trên mảnh đất này, được thấm và sống. Mình được chuyển hóa một cách tự nhiên bằng tác động nhỏ nhẹ qua gia đình, tuổi thơ, giáo dục, nhà trường... Ở thế hệ trước thì đó là tác động của cuộc chiến, biến thiên của lịch sử rất lớn. 

Với những người trẻ, đạo diễn Hoàng Điệp cho rằng, trên con đường thực hành văn hóa, người trẻ không chờ đợi đi theo con đường chỉ sẵn, con đường an toàn không giống với cách hiểu chung. Văn hóa phải là cái ngấm và thấm từ bên trong. Còn hiểu theo nghĩa khác, soi chiếu của nội tâm thì người thực hành văn hóa bằng trầm tích văn hóa đa dạng có sự biến thiên xảy ra xung quanh đời sống xã hội của họ. Bản thân họ sẽ tự tạo ra trầm tích mới trong thế hệ của họ. Nếu như có sự soi đường thì phải là soi đường nội tại bởi bản thân họ phải thấm điều đó chứ không phải "ai đó nói có đường sẵn đây, mọi người đi đường này đi".

Văn hóa phải soi đường cho cả nhà đầu tư, nhà quản lý…

Đạo diễn Hoàng Điệp: "Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ" - Ảnh 2.

"Ngày nay, chúng ta cũng có nhà văn hóa nhưng ở sâu, quá bé, rất khó tìm đến", Nguyễn Hoàng Điệp nói. Ảnh: Phạm Hưng

Về câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê (TP. Hà Nội), đạo diễn Hoàng Điệp lấy ví dụ thực tế và cụ thể khi chị đang làm chương trình "Lưu trú điện ảnh" 5 năm mới tổ chức một lần, với kinh phí nhỏ từ các quỹ của tổ chức phi Chính phủ và chi phí từ tiền túi của mình. 

Chị mời tất các các nhà làm phim đến cùng phát triển dự án, mô hình như nước ngoài là Chính phủ hỗ trợ, còn mình tự làm, nhưng phải đi tìm địa điểm để tổ chức. Và khi chị đi tìm địa điểm để tổ chức thì thấy, Hà Nội quá thiếu vắng những không gian cho thực hành văn hóa và sáng tạo văn hóa. 

"Ngày nay, chúng ta cũng có nhà văn hóa nhưng ở sâu, quá bé, rất khó tìm đến", Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Theo chị, người trẻ không biết trông chờ vào đâu nếu muốn tìm các không gian văn hóa. Các khu nhà máy thì luôn là dự án bất động sản trong tương lai còn ở đây là bài toán lợi ích, văn hóa mơ hồ và khó quá. 

Đạo diễn Hoàng Điệp cho đó là vấn đề trầm kha của văn hóa quốc dân. Văn hóa phải soi đường cho cả nhà đầu tư, cho nhà quản lý... Soi đường cho quốc dân là tất cả mọi người phải nhìn thấy mình trong chữ quốc dân đó, phải chịu trách nhiệm với điều đó thay vì mọi người cứ núp sau từ "quốc dân" để không phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm. 

Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ

Đạo diễn Hoàng Điệp: "Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ" - Ảnh 3.

Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đạo diễn Hoàng Điệp kỳ vọng Hội nghị sẽ có sự cởi mở. Ảnh: Phạm Hưng

Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đạo diễn Hoàng Điệp kỳ vọng Hội nghị sẽ có sự cởi mở. Các vấn đề được nói thẳng, nói thật. Các nhà quản lý có tầm nhìn xa trên 10km khi nói về chiến lược phát triển văn hóa. Họ phải là những người quản lý văn hóa thực sự để nâng đỡ, phát triển thay vì để kiểm soát. Họ cũng phải là những người không ngại khó, không ngại khổ và mọi điều cần phải được nói ra... 

Rào cản lớn nhất mà nữ đạo diễn phim "Đập cánh giữa không trung" nhận thấy là đâu đó xung quanh những người có quyền kiểm soát, họ có nỗi sợ, mơ hồ, dai dẳng. Nhiều khi nỗi sợ đó không có căn cứ. Vấn đề này phải được bàn đến và chúng ta phải nhận diện nỗi sợ đó như là cách chúng ta nhận diện nền văn hóa của mình. 

Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ. Bản thân thấm nhuần văn hóa là để yêu thì chính mình sẽ đối xử với văn hóa với sự trân trọng yêu thương. Nếu nhìn văn hóa với nỗi sợ thì sẽ lo lắng và sẽ tìm cách kiểm soát văn hóa. 

Với điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mong rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ có tiếng nói của các nhà làm phim độc lập, tiếng nói từ cơ quan quản lý nói chung. Bản thân nữ đạo diễn nhận thấy, các nhà làm phim Nhà nước không còn sản xuất các bộ phim thực sự phục vụ cho công chúng quá nhiều nữa rồi. Nhìn vào tỷ lệ phim sản xuất thì ta có thể thấy điều đấy.

No comments