13 chuyên gia quân sự Liên Xô hy sinh trong chiến tranh Việt Nam
Không có bánh mì đen, không có bơ sữa hay trứng cá muối, nhiều tháng ngày họ sống bằng đồ hộp và ăn các thức ăn Việt Nam. Đạn bom Mỹ cũng không chừa họ. Cái chết luôn rình rập.
Mỹ “chiêu đãi” từ Hạm đội 7
Trước khi lên đường sang Việt Nam, các chuyên gia được phổ biến sẽ hiểm nguy tính mạng và rất khó khăn vì đó là đất nước nghèo nàn. Nhưng thực tế còn vất vả và cực khổ hơn được phổ biến.
Cũng trong “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)”, Trung úy V. A. Bôrixencô viết: “Liệu có thể nói về một sinh hoạt đời thường không? Tám tháng ở trên xe, tự mình phải tác chiến, sau đó chúng tôi còn phải kèm cặp các bạn Việt Nam, cũng trong tư thế trên xe. Thông thường chúng tôi thu xếp chỗ ngủ qua đêm ở rìa các ngôi làng, trong các nhà chứa nông cụ. Chúng tôi ngủ trên những chiếc giường gấp hoặc trên những chiếc chõng có trải đệm, phía bên trên treo chiếc màn chống các loại côn trùng chích đốt, cứ như vậy đến sáng.
Không hề có tủ lạnh, không hề có quạt máy, vòi tắm những thứ ấy chỉ có trong mơ. Khi chúng tôi ở trên trận địa, mỗi tuần người ta tổ chức đun nước nóng bằng lò cho chúng tôi tắm một lần”.
Ngày 31/3/1968, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, phía bắc Khu 4 trở ra tạm yên ổn nhưng nam Khu 4 vẫn bị máy bay Mỹ không kích trong đó có cả B-52 để ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đại tá Platôép Taunô Phêđôrôvích chuyên gia về tên lửa phòng không, ông tham gia chiến đấu tại Việt Nam từ tháng 7/1971 đến tháng 7/1972 trong cương vị Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn tên lửa phòng không 236 và 275 của QĐND Việt Nam tác chiến ở quân khu 4.
Ông kể trong hồi ký là ở trong hang đá và “Sáng ngày 25/12/1971 đài quan sát bằng mắt của Tiểu đoàn 67 đã phát hiện có 3 tốp lính dù đổ bộ sâu vào khu vực đường 20. Như vậy, nguy cơ bị tấn công là có thật. Các chuyên gia quân sự Liên Xô không có gì để đối phó với chúng vì chúng tôi làm việc trong điều kiện không mang vũ khí cá nhân”. Lại có lần ông xem bản đồ vị trí đóng quân mới biết đang ở trên đất Lào cách biên giới Việt Nam 10km.
Để có thông tin về tình hình Liên Xô phổ biến cho các chuyên gia, sĩ quan chính trị đã dùng máy thu thanh thu nghe các bản tin phát từ Liên Xô, nhưng muốn bắt được sóng, sĩ quan này phải trèo lên đỉnh núi đá cao không dưới 300 mét. Trong khi đó quân đội Mỹ đã dùng vũ khí truyền thông “chiêu đãi" họ những chương trình phát thanh rất bài bản mang tên “Theo yêu cầu của các chuyên gia quân sự Liên Xô”. Đài phát thanh của họ đặt trên hạm đội 7 ở vịnh Bắc Bộ nên sóng rất mạnh.
Ngoài ra, theo định kỳ quân đội Mỹ còn thả truyền đơn bằng tiếng Nga và tiếng Việt kêu gọi các chuyên gia rút về nước tránh đổ máu vô ích. Tháng 4/1972, Mỹ quay trở lại đánh bom Hải Phòng và hầu hết các tỉnh miền Bắc, cuộc sống của các chuyên gia lại khó khăn. Và lần này họ dùng máy bay B-52 rải thảm bom nên sự sống chết của họ trong gang tấc.
Cái chết của hạ sĩ 23 tuổi
Liên Xô viện trợ quân sự và đưa chuyên gia sang huấn luyện đào tạo bộ đội Việt Nam sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài là yếu tố rất quan trọng nhưng đánh thắng Mỹ hay không là do Việt Nam vì cuộc chiến tranh chống Mỹ là của người Việt Nam. Nhiệm vụ của các chuyên gia quân sự là giúp không phải cùng hy sinh vì thế khi bộ đội Việt Nam làm chủ được vũ khí, có thể tác chiến độc lập thì họ chỉ để lại một số ít người đóng quân cách trận địa tên lửa khá xa và các đơn vị tên lửa phòng không của QĐND Việt Nam cũng ý thức việc phải bảo vệ tính mạng cho họ. Nhưng trong chiến tranh, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Cái chết nào cũng thương cảm nhưng cái chết của hạ sĩ Vlađimia Ivanôvíc Garơcusa, 23 tuổi là minh chứng về tình bạn Việt Nam - Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trong hồi ký, Thiếu tướng Pôdơđêép Anatôli Philíppôvích, Phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không phụ trách chính trị Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô từ tháng 3/1970 - 3/1971 đã kể về cái chết của hạ sĩ này.
Ngày 11/4/1970, hạ sĩ V.I. Garơcusa, Trưởng trạm máy phát điện Trung đoàn tên lửa phòng không 237 của QĐND Việt Nam và 9 chuyên gia cùng với bộ đội Việt Nam tham gia “Ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa”. Họ thu dọn các phòng học của một ngôi trường làng và sửa lại con đường đến trường. Đoàn viên thanh niên Cômxômôn V.I. Garơcusa và phiên dịch tên Sâm làm việc gần nhau, họ đào đất bên lề đường, để lấp hố bom. Bỗng nhiên vang lên một tiếng nổ lớn. Những người đứng ở gần nơi phát ra tiếng nổ nhìn thấy một vài người ngã sõng soài trên mặt đất.
Họ đã bổ cuốc trúng một quả bom bi nằm dưới đất. Người đầu tiên bò dậy khỏi mặt đất là Vlađimia Garơcusa, anh bị thương ở bụng và đầu. Các đồng chí và các bạn Việt Nam đến cứu chữa ngay. Đồng chí phiên dịch tay chân đầy máu vẫn nằm dưới đất. Chàng trai Xô Viết này yêu cầu mọi người hãy cấp cứu cho phiên dịch Sâm trước.
Xe cứu thương đã đến và đưa các thương bình đã được sơ cứu về bệnh viện. Suốt dọc đường V.I. Garơcusa luôn mồm hỏi thăm tình hình của các thương binh khác. Các bác sĩ quân y viện Việt Nam và bác sĩ ngoại khoa Liên Xô Ôlếch Lentxnhe đã tận tình cứu chữa cho anh nhưng ngày 29/4/1970 thần chết đã cướp đi cuộc sống của người anh hùng.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô, các cán bộ Đại sứ quán, các bạn Việt Nam đã tiễn đưa hạ sĩ V.I. Garơcusa về nơi an nghỉ cuối cùng. Hạ sĩ V.I. Garơcusa đã được Chính phủ Liên Xô truy tặng Huân chương Sao đỏ, và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Huân chương Chiến công hạng III.
Một sĩ quan cũng hy sinh vì bom khi máy bay Mỹ thả xuống trận địa là Thượng uý Mikhain Brinđicốp. Trưa ngày 8/9/1972, chiếc máy bay F-4 ném quả thứ nhất, Mikhain Brinđicốp bị thương anh chạy vào cánh rừng ẩn nấp nhưng chiếc F-4 vòng lại, thả quả bom thứ hai. Anh lại dính thêm hàng chục mảnh bom nữa. Các chuyên gia và bộ đội Việt Nam đã hiến máu, nhưng không thể cứu được. Mikhain Brinđicốp mất vào ngày 10/9/1972 tại Hà Nội.
Tính từ 4/1965 đến ngày 31/12/1974 Liên Xô đã đưa sang Việt Nam 6.359 sĩ quan các cấp, hơn 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ trong các lĩnh vực quân sự trong đó có 5 sĩ quan từ cấp thiếu tướng đến thượng tướng làm trưởng đoàn chuyên gia quân sự. Ban đầu họ được gọi với cái tên chung là “chuyên gia quân sự” nhưng đến cuối năm 1974 được đổi thành “cố vấn quân sự”. Và trong 9 năm này 13 sĩ quan và chiến sỹ Liên Xô hy sinh trong đó có 4 người hy sinh khi đang trực tiếp chiến đấu.
No comments