Nghệ sĩ Quốc Tuấn: “Thật ra tôi có nhiều tính xấu”
Hà Nội những ngày tháng 10, sau giãn cách, trời đổ mưa nặng hạt. Nghệ sĩ Quốc Tuấn đón chúng tôi ở trước sảnh tòa nhà, trong trang phục áo thun, quần jean, đôi giày thể thao năng động. Nhìn anh không khác gì chàng trai vừa bước vào 30 tuổi, ngoại trừ vài nếp nhăn trên gương mặt. Lúc chúng tôi đi qua các cửa hiệu để tới căn hộ riêng của Quốc Tuấn, vài người nhận ra anh, gọi tên và niềm nở trao gửi lời chào.
Họ đã "gặp" anh lần đầu tiên ở đâu, tôi tự hỏi. Là anh Thi trong "Những người sống quanh tôi"; là anh Kiên trong phim "Người vác tù và hàng tổng", hay chỉ đơn giản là họ yêu mến người đàn ông sống cùng chung cư với nụ cười đầy thiện cảm này?
Và lúc này, chúng tôi đang ngồi đây, trò chuyện cùng anh trong một không gian tràn đầy "năng lượng tích cực" từ nụ cười anh mang lại.
Trước khi trở thành "Người vác tù và hàng tổng" và sống trong lòng rất nhiều thế hệ khán giả, tôi nghe nói, trước kia anh từng học nhạc và thành lập ban nhạc hẳn hoi?
- Đúng vậy. Ngày xưa tôi theo học nhạc từ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đấy chứ. Nhà tôi trước ở đầu phố Điện Biên Phủ, còn nhà thầy Đoàn Chuẩn ở phố Cao Bá Quát. Từ nhà tôi qua nhà thầy rất gần, có mấy trăm mét thôi. Tôi nhớ, hồi đó, thầy có hai phòng thì dành một phòng để làm lớp nhạc. Cứ tối tối, tôi lại qua nhà thầy học. Tôi theo học thầy 2 năm, một năm học nhạc lý, một năm học guitar.
Khi vào học trường Trần Phú (Hà Nội), tôi với mấy bạn trong khối lớp 10 của trường lập ban nhạc ACE. ACE là tên lớp 10A, 10C và 10E gộp lại. Các thành viên ban trong ban nhạc của tôi sau này tiếp tục theo đuổi nghiệp âm nhạc. Trong đó, một người theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng nay đã qua đời.
Có một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi là hồi đó, trước khi chia tay trường cũ, chúng tôi sáng tác một bài hát để tặng cho trường. Khi ca khúc vừa ra lò "nóng hổi", ban nhạc còn cẩn thận gửi nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương xem hộ. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu đầu tiên của bài hát: "Bạn thân yêu là học sinh lớp 10, ta sắp bước vào cuộc sống…". Đáng tiếc thời ấy, bố mẹ không có nhiều thời gian cũng như kiến thức để định hướng cho chúng tôi nên con đường hướng nghiệp đôi khi không được như mong muốn.
Sau đó, anh đã thi đỗ và trở thành học viên khoá I của khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Anh có còn nhiều ký ức về những ngày tháng đó?
- Lớp diễn viên khóa I của chúng tôi có khoảng 50 học viên, chia ra hai ngành: sân khấu và điện ảnh. Giảng viên của lớp đều học ở nước ngoài về, họ truyền dạy rất vô tư và say mê.
Tôi vẫn nhớ, lớp chúng tôi do NSND Trần Minh Ngọc và thầy Xuân Huyền phụ trách. Thầy Đình Quang là người duy nhất dạy chúng tôi theo trường phái sân khấu Bertolt Brecht của Đức, còn đa số dạy theo trường phái sân khấu Stanislavski.
Trường phái Stanislavski của Nga là diễn viên nhập tâm vào nhân vật và không biết gì đến xung quanh. Còn trường phái sân khấu Bertolt Brecht của Đức thì nhân vật và diễn viên luôn tách nhau ra, nghĩa là tôi đứng đây nhưng tôi vẫn kiểm soát được những gì tôi đang làm, tôi muốn truyền tải điều gì đến khán giả tôi sẽ nhấn vào điều ấy, thậm chí nhấn một cách quá lên để gây hiệu ứng. Phong cách này rất giống với nghệ thuật Tuồng của Việt Nam, khi người diễn viên chủ yếu là dùng kỹ thuật để truyền tải thông điệp đến khán giả.
Rời khỏi trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, anh đã có những tháng ngày khó khăn tại Nhà hát Tuổi trẻ, khi mãi không có vai và cũng chẳng được ký hợp đồng…?
- Đó là những tháng ngày nhiều biến động. Trước khi về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ, tôi có làm linh tinh mấy nơi. Từ trường Điện ảnh về Nhà hát cùng thời điểm hoặc trước sau tôi không xa còn có Văn Thành, Tú Oanh… Chúng tôi bị xem thường và coi như "con nuôi" vì không phải lứa diễn viên do Nhà hát đào tạo. Thời đó chỉ có Anh Tú, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Hải, Minh Hằng… là được đào tạo tại Nhà hát.
Những năm ấy, đào tạo về diễn xuất sân khấu có 3 nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Các lứa diễn viên được đào tạo tại chỗ họ có lợi thế là được học và thực hành ngay trên sân khấu vì thế kinh nghiệm thực tế rất cao. Lứa diễn viên chúng tôi từ trường về đầu quân cho Nhà hát rất khó hoà nhập và khẳng định.
Thời gian đầu, khi mới bước chân vào Nhà hát, tôi sống "dặt dà, dặt dẹo"… thỉnh thoảng được giao cho một vai vác cờ chạy qua sân khấu, hay vừa lên sân khấu thì… chết. Tôi nhớ một kỷ niệm rất đau lòng là tôi về được mấy tháng thì đến Tết. Mọi người được thưởng khoảng 5 triệu đồng (tính theo mệnh giá tiền hiện thời), thì mình được vài trăm nghìn đồng. Tình trạng đó kéo dài được một thời gian thì tôi đề xuất được diễn một vai. Tôi nói: "Nếu tôi diễn không đạt thì tôi sẽ tình nguyện tìm chỗ khác chứ không thể cứ ở đây mãi được, còn nếu tôi diễn được thì phải ký hợp đồng và đối xử với tôi kiểu khác". Sau cuộc "đấu tranh" đó, Nhà hát mới phân cho tôi một vai và sau vai đó thì tôi được ký hợp đồng.
Thu nhập chỉ vỏn vẹn vài chục ngàn đồng và lại không được bước ra sân khấu, có khi nào trong thời điểm đó, anh chợt nghĩ mình bỏ quách đi?
- Không! Bởi vì tôi có tính hiếu thắng. Tôi luôn cho rằng, làm nghệ sĩ rất cần sự hiếu thắng, mà không, làm nghề gì cũng vậy. Đừng nghĩ hiếu thắng là làm mọi thứ để đạt được mục đích, hiếu thắng ở đây là sự nỗ lực hết khả năng để theo đuổi đam mê của mình.
Khi ngồi chấm thi ở trường Sân khấu - Điện ảnh, có lần, tôi nói với các bạn trẻ: "Việc đầu tiên khi vào đây là các bạn phải hiếu thắng. Nếu cứ xác định tôi dĩ hòa vĩ quý, tôi muốn sống một cuộc đời bình bình thì muôn đời các bạn chỉ đóng vai quần chúng. Sống nhạt nhòa như thế để làm gì? An phận trong nghệ thuật là vứt đi rồi, mà không những thế, anh còn làm hại cho nền nghệ thuật".
Nghệ sĩ không nên ngạo mạn, coi mình là số một, nhưng phải nỗ lực để mình nằm trong top đầu. Nguyên tắc của tôi khi làm nghề là người ta có thể không đồng tình mình ở điểm này điểm kia, nhưng không thể chê bai mình về chuyên môn được. Đó là lý do tôi nhất định không bỏ cuộc khi chưa tìm được chỗ đứng.
Anh có lẽ là một trường hợp khá đặc biệt. Trong khi các nghệ sĩ khác thành danh trên sân khấu mới tiến bước vào phim truyền hình thì anh lại đi trên hành trình trái ngược. Phim truyền hình đã trở thành "cứu cánh", giúp anh ghi dấu tên tuổi và sau đó trở lại tỏa sáng trên sân khấu. Anh đã bắt đầu tham gia những thước phim đầu tiên như thế nào?
- Hồi chúng tôi đóng phim, phim truyền hình mới bắt đầu nổi lên và không có đội ngũ viết kịch bản. Sau này có lần tham gia chương trình "Quán thanh xuân", NSND Khải Hưng kể lại, hồi đó anh ấy cũng không biết cách quay phim truyền hình, cả ekip dùng đèn chiếu bên điện ảnh loay hoay mãi vẫn không quay được vì đèn bên này nhạy quá. May mắn thay, vào đúng hôm mất điện, bật những đèn bình thường lên, ê-kíp mới biết là… quay được. Lúc đó, tất cả mới nhận ra, độ nhạy của băng từ khác với độ nhạy của phim.
Thời đó, do không có đội ngũ viết kịch bản phim truyền hình nên chúng tôi đã lấy kịch bản phim nhựa không được duyệt ra để làm phim. Lúc ấy, một nhà văn viết 3 năm mới ra được một kịch bản, khác với các bạn trẻ bây giờ 3 ngày một tập. Tôi thấy phim truyền hình hiện tại "làm nhanh ăn vội" nên nhiều phim lời thoại rất dễ dãi, không có sự trau chuốt gì cả. Tôi không thích diễn viên nói những điều sáo rỗng hoặc mô phạm. Phim ảnh xét cho cùng là sự tái tạo cuộc đời một cách có chọn lọc, anh không thể thoát khỏi cuộc sống mà thành công được, có chăng chỉ là sự hiệu ứng trong giây lát.
Nhiều bạn đưa kịch bản mời tôi đóng phim, tôi thấy nhiều chỗ có vấn đề quá nên đề nghị sửa lại kịch bản nhưng các bạn không sửa. Tôi từng từ chối hai bộ phim đình đám trên truyền hình, do chính đạo diễn đích thân mời chỉ vì đọc kịch bản xong tôi không thể chấp nhận nổi. Bây giờ các bạn viết kịch bản cứ theo một kiểu của mình, không màng đến tính logic, không cần sự hợp lý gì cả.
Đó là lý do khiến 14 năm nay, sau "Luật đời", anh không còn mặn mà gì với phim ảnh?
- Đúng là bây giờ tôi không mặn mà gì với phim ảnh nữa. Tôi vẫn sẽ tham gia phim khi có kịch bản tốt nhưng thực sự, tìm được kịch bản tốt bây giờ rất khó. Hôm vừa rồi tôi gặp lại Minh Hoà (NSND Minh Hoà – PV), cô ấy khuyên bây giờ kịch bản người ta viết như thế, anh phải học cách chấp nhận và tham gia phim để còn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi bảo với Minh Hoà là nếu chỉ kiếm tiền thì tôi có nhiều cách. Tôi có thể lập kênh YouTube cho Bôm từ lâu rồi để kiếm tiền. Nhưng tôi không phải là con người như thế. Tôi không phải là tuýp người cứ nhận lời, đóng cho xong rồi cầm tiền ra về và chẳng nghĩ gì đến vai diễn của mình.
Kiếm được đồng tiền mà phim lên mình chỉ muốn dừng phát sóng thì chết. Tiền tiêu mấy chẳng hết, kiếm như thế làm gì? Gây dựng ấn tượng với khán giả rất khó, nhưng xóa đi thì nhanh lắm.
Vậy vai diễn như thế nào sẽ có nhiều khả năng lôi kéo anh trở lại với khán giả truyền hình?
- Tôi không quan trọng vai diễn, thậm chí cũng không quan trọng chính hay phụ, nhưng vấn đề đầu tiên phải là kịch bản. Kịch bản phim phải để khán giả hút vào, thích thú, sau đó mới đến chuyện vai. Tôi không đòi hỏi vai phải hay, phải thế nọ thế kia, mình được đóng góp cho một tác phẩm tốt đã là điều sung sướng rồi.
Còn để nói về ước ao, tôi mong muốn được trải nghiệm một vai phản diện chất lượng. Người xấu mà xăm trổ, "hổ báo" là chuyện quá bình thường. Những kẻ gương mặt lương thiện, tính tình nhân nghĩa mới là nguy hiểm, thâm độc, phim Mỹ đã có rất nhiều. Tôi cũng thèm được đóng một vai như thế.
Có bao giờ nhìn lại, anh thấy rằng cuộc đời mình có quá nhiều ngã rẽ, mà nếu không như thế, có thể anh đã có một vị thế khác trong làng nghệ, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Tuấn chẳng hạn?
- Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là danh hiệu cao quý, nhưng nếu thấy tôi xứng đáng, hãy trao cho tôi, tại sao tôi lại phải làm đơn xin xét tặng? Tôi luôn có quan điểm thế này: Nghệ sĩ đừng bao giờ giới thiệu anh là ai, hãy nói tác phẩm của anh là gì? Nó sẽ chứng minh anh có sống trong lòng công chúng hay không?.
Năm 1997, có một lần tôi đi Trung Quốc, vào xưởng phim Bắc Kinh, các nghệ sĩ của họ đưa tôi card visit để giới thiệu, tôi lại không có thói quen dùng card (cho tới giờ vẫn vậy). Trên card của các nghệ sĩ đó đều in "nghệ sĩ cấp I, nghệ sĩ cấp II" (tương đương Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tại nước ta). Trong lúc tôi đang lúng túng thì một tùy viên văn hóa Việt Nam giới thiệu: "Đây là nghệ sĩ rất nổi tiếng tại Việt Nam, anh ấy vừa giành giải Nam diễn viên được yêu thích nhất trên truyền hình quốc gia". Những nghệ sĩ Trung Quốc nghe nói vậy liền "ồ" lên chúc mừng, sau đó họ đi mượn bút, xóa dòng chữ "nghệ sĩ cấp I" trên tấm card đi, người phiên dịch bảo tôi: "Họ bảo cái đó không đáng để giới thiệu trước mặt anh. Thứ danh hiệu cao quý nhất, chính là sống trong lòng khán giả".
Vậy bỏ qua câu chuyện danh hiệu, sau một hành trình dài cống hiến, thành thật mà nói, anh có bao giờ thấy mình đôi chút thiệt thòi so với đồng nghiệp?
- Tôi cũng cảm thấy thua thiệt so với những gì mình làm, thật lòng đấy. Bởi tôi cho rằng, những gì mình làm ít nhiều đã ghi dấu ấn được với khán giả, so với nhiều người khác. Nhưng tất cả là số phận, càng già tôi càng nghĩ, kể cả chuyện con cái, hôn nhân hay sự nghiệp, đều là sự sắp đặt của định mệnh. Định mệnh đã đưa cho tôi một con đường như thế, quan trọng là tôi đi thế nào. Tôi buông xuôi, bỏ cuộc hay cố gắng thay đổi để nó tốt hơn - đó là sự lựa chọn.
Tại sao lần này anh lại bất ngờ quay lại màn ảnh và tham gia "Cuộc chiến không cân sức" - vở kịch truyền hình về chủ đề phòng chống Covid-19?
- Tôi loanh quoanh khắp mọi nơi nhưng rồi vẫn cứ có những mối quan hệ không dứt ra được. Tôi với đạo diễn Trịnh Lê Phong – chồng cũ của NSƯT Kim Oanh là anh em chiến hữu thân thiết. Chúng tôi từng tung hoành khắp nơi khi làm phim chung với nhau. Kim Oanh là người "cầm trịch" vở này và khi tìm diễn viên để mời đóng nhân vật chính thì cô ấy tìm mãi không ra. Trịnh Lê Phong mới gợi ý cho Kim Oanh mời tôi và ngay lập tức cô ấy gọi điện thuyết phục tôi bằng được. Vì tình anh em với nhau, tôi quyết định nhận lời.
Trên hết, đây là vở kịch nói cổ vũ lực lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19, tôi cũng muốn tham gia để góp tiếng nói của mình trong công cuộc tuyên truyền của cả đất nước.
Rất lâu mới trở lại với diễn xuất, anh có gặp khó khăn trong việc hóa thân vào nhân vật?
- Vai diễn của tôi là một vị lãnh đạo trăn trở, nhiệt huyết với công tác chống dịch. Đây là nhân vật rất mới mẻ, khác hoàn toàn với những gì tôi đã làm. Điều này cũng khiến tôi có động lực để tìm cách sáng tạo, hóa thân vào vai diễn.
Ông Việt trong "Cuộc chiến không cân sức" tận tâm với công việc, thao thức lo cho dân nhưng về nhà với vợ con cũng vô cùng tình cảm, hóm hỉnh. Tôi tìm cách diễn để nhân vật của mình gần gũi và mang hơi thở cuộc sống nhất có thể.
Khó khăn nhất khi tham gia vào vở kịch này thật ra là việc học thuộc kịch bản. Thú thật ban đầu tôi bị "khớp" vì trong đó có rất nhiều từ chuyên môn về dịch bệnh nhưng sau khi về nhà đóng cửa học thoại thì may mắn khi quay mọi việc suôn sẻ.
Khi đã nhận lời tham gia bất kỳ dự án nào, tôi luôn dồn hết tâm sức của mình với mong muốn tạo ra một tác phẩm tốt. Khi diễn xong, các đồng nghiệp đều cho rằng, diễn xuất của tôi vẫn giữ nguyên phong độ. Tôi hi vọng khán giả truyền hình cũng sẽ đón nhận vở kịch này.
Trong những ngày Hà Nội mới trở lại sau giãn cách xã hội, cuộc sống của hai cha con anh hiện tại như thế nào?
- Tôi cùng con tập thể dục hai buổi sáng và chiều, mất khoảng một tiếng. Bôm (tên gọi ở nhà của con trai Quốc Tuấn – PV) đang phải học online nên tôi dành thời gian ngồi nghe giảng cùng để hiểu hơn về ngành học của con, dễ bề chia sẻ và giúp con theo bài học. Trước đây, tôi cũng học nhạc nhưng khi tiếp xúc với ngành piano jazz thì có thêm nhiều kiến thức mới.
Tôi rất hạnh phúc vì hiện tại con đã tìm được niềm đam mê với piano, thành tích ổn định. Tôi luôn nhắc nhở cháu quyết liệt trong nghệ thuật, cố gắng bằng năm bằng mười bạn khác. Bôm rất tự giác, có tình yêu với âm nhạc, càng ngày con càng ý thức và nỗ lực hơn.
Trước khi Bôm rất thích đi chơi cùng bố, cứ khi bố ra ngoài gặp bạn bè là con lại muốn đi cùng. Nhưng bây giờ thì không, Bôm nói con ở nhà học. Đôi khi tôi vẫn phải lôi Bôm đi để tách con ra khỏi đàn, hòa nhập với thế giới bên ngoài. Trước mắt, tôi sẽ đồng hành con học 7 năm hệ trung cấp jazz piano.
Anh từng chia sẻ, vì dịch bệnh, ca phẫu thuật của Bôm đã phải hoãn lại. Điều này có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt của Bôm không?
- Do dịch kéo dài, các bác sĩ ở Anh - những người đã theo dõi sức khỏe Bôm từ nhiều ca phẫu thuật trước - chưa thể sang Việt Nam để trồng lại răng, tách các khớp ngón tay cho con. Trường hợp của Bôm rất đặc biệt nên chỉ những bác sĩ biết về kết cấu hàm của Bôm mới có thể làm được. Hiện tại Bôm đã phải nhổ hết răng hàm trên, chỉ còn 3 chiếc răng cửa, ăn được cháo, thức ăn nhuyễn.
Đi đâu tôi cũng đều mang thức ăn riêng cho con. Mỗi ngày Bôm ăn 3 bữa, buổi sáng ăn thịt, chiều ăn hải sản xay cùng rau củ, cháo. Vợ chồng tôi đều tự nấu nướng, chế biến bởi thức ăn mua ở ngoài không thể hợp với khẩu phần và chế độ ăn con đang theo đuổi.
Chắc hẳn anh đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị cũng như chế độ ăn thích hợp cho con mình?
- Lúc Bôm mắc bệnh, mọi thứ còn quá mới mẻ, bác sĩ tại Việt Nam khi ấy còn không biết là bệnh gì, mọi thứ tôi đều phải tự tìm tòi, lọ mọ. Sau đó, có lần tôi sang Australia khám cho con, gặp 8 bạn bị bệnh giống Bôm, so với chúng, Bôm là người nhẹ nhất. Cha mẹ các bạn đó đều cầm trên tay một sấp tài liệu. Họ hỏi: "Ông đã có những thứ này chưa, nếu chưa, tôi tặng ông một bộ". Từ đó, tôi có những kiến thức đầu tiên để trang bị cho mình.
Lý do sau này tôi cùng Bôm lên truyền hình, báo chí cũng bởi muốn hướng dẫn cho những trường hợp giống Bôm, tránh cho các gia đình khác phải gặp cảnh loay hoay giống tôi ngày trước. Khi mình tự tìm tòi thì sẽ có những thứ mình làm đúng, có thứ không. Tôi muốn tư vấn cho họ biết cách chăm như thế nào, việc gì trước, việc gì sau. Thí dụ như đầu tiên phải làm sao để giữ hộp sọ không bị chèn ép, sau đó đến phần thở. Chế độ ăn uống ra sao cho con không bị nuốt chửng, gây đau dạ dày? Làm sao đủ dinh dưỡng để tiến hành phẫu thuật? Tất cả đều phải tính toán kỹ lưỡng.
Tinh thần cho con cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu bố mẹ không chuyện trò, giao lưu, con rất dễ bị trầm cảm. Nhiều người hay ngại mang con theo khi con có bệnh. Đừng bao giờ mặc cảm về con mình. Con mình thì sợ cái gì? Đi đâu tôi cũng đưa con theo, chẳng có gì phải ngại. Khi còn bé, đôi khi Bôm hỏi tôi: "Bố ơi, sao mọi người cứ nhìn con", tôi bảo: "Mọi người nhìn vì con đẹp trai".
Suốt một hành trình dài bên con, anh không chỉ là người cha mà còn là tri kỷ, là người bạn thân nhất của Bôm. Anh có bao giờ thấy suy sụp, buồn bã khi chứng kiến những thăng trầm của con, nhưng vẫn phải cố tỏ ra vui vẻ?
- Tôi chả có gì phải cố, mình cứ vui vẻ thôi bởi khi đã xác định rồi mọi thứ đều trở nên đơn giản. Chỉ khó khăn nhất là những lần Bôm phải phẫu thuật, đúng là tôi cũng hay bị tâm lý. 11 lần mổ xẻ như thế, mình đứt tay đứt chân còn đau, nữa là con mình. Tôi rất bất lực khi không thể làm gì giúp con lúc con nôn ọe, đau đớn.
Tôi thường rất bình tĩnh nhưng cứ trước mỗi lần lên đường phẫu thuật, toàn thân tôi lại nặng trĩu. May được cái là Bôm lạc quan, Bôm không sợ, Bôm biết là sau đó mọi thứ được cải thiện nên con luôn vui vẻ.
Ngày xưa bố là niềm vui của con, bây giờ con là niềm vui của bố. Dường như chính Bôm là người động viên ngược lại bố, trong những khoảnh khắc quyết định như vậy?
- Đúng thế, Bôm cứ hồn nhiên, vui vẻ, điều đó cũng an ủi mình, khiến mình đỡ nặng nề hơn. Nói thế thôi, mỗi ca mổ đều có những rủi ro nhất định, và thực tế là đã có một lần Bôm suýt chết khi có phản ứng với một loại thuốc. Vào phòng phẫu thuật, con mình đau đớn đã đành, nhưng ca mổ liệu có thành công không, ai từng đứng chờ phía ngoài mới hiểu được cảm giác kinh khủng đó.
Mọi người bảo, bây giờ tụ tập ở đâu, không có con chắc chắn anh không đi?
- Chắc chắn tôi không đi. Bôm bây giờ là thành viên chính của tất cả các nhóm. Thậm chí khi tôi bận, các ông ấy còn bảo: "Thế thôi bố ở nhà, Bôm đi". Bạn bè tôi ai cũng nhận Bôm là con. Bố con tôi có biệt danh chung là "hai anh em nhà Bôm", nhà Bôm chứ không phải nhà Tuấn đâu nhé (cười).
Tôi từng chứng kiến gương mặt căng thẳng của anh khi chứng kiến Bôm bước chân lên sân khấu. Dường như, lúc đó anh còn lo hơn khi chính mình vào vai trong ống kính?
- Tôi lại nhớ hôm Bôm diễn cùng ca sĩ Sơn Tùng ở quận 7, TP.HCM với 2000 khán giả, tôi rất lo, ống kính truyền hình cũng ghi lại khoảnh khắc ấy. Trước khi ra sân khấu, Bôm quay lại bảo tôi: "Bố bình tĩnh". Để an toàn, BTC đã cử một anh mặc quần áo đen đứng cạnh đàn, ra hiệu Bôm vào nhịp cho đúng. Ai dè Bôm vào đúng nhịp luôn, không cần giúp sức, mọi người đều cười ồ vì bất ngờ. Bôm bản lĩnh lắm, trong khi mình căng thẳng vô cùng, "ông ấy" kết rất đẹp xong quay ra nhìn bố, kiểu như hỏi: "Thế đã được chưa anh Tuấn ơi?"
Một lần khác, chúng tôi đi Nam Phi, hai bố con tôi tới Cape Town – một CLB nhạc Jazz rất nổi tiếng chuyên phục vụ các du khách tới Nam Phi. Khi nghe nói về Bôm, ông chủ của CLB đã mời Bôm lên chơi. Tôi bảo: "Con chơi một bài thôi nhé, chương trình toàn nghệ sĩ chuyên nghiệp "khủng" lắm". Bôm chẳng sợ gì, lên chơi hăng quá, chơi sang bài thứ 2 luôn. Một nữ nhạc công jazz có tiếng ở Hà Lan sau đó xin lên chơi guitar, cô ấy bảo: "Từ đầu tôi không dám lên, nhưng thấy Bôm chơi, cảm hứng của tôi trỗi dậy và tôi quyết định phải lên sân khấu". Ngày hôm đó, âm nhạc đã nối liền tất cả chúng tôi, tôi hạnh phúc khi con góp phần tạo ra không gian đó.
Có khi nào anh nghĩ sẽ cho con đi học nuớc ngoài để thuận tiện hơn trong việc phát triển tài năng của Bôm?
- Tôi cũng đã nghĩ tới điều ấy nhiều rồi nhưng hiện tại rất khó, vì Bôm vẫn phải có chế độ sinh hoạt riêng. Sau này, khi Bôm hoàn thiện các chức năng, tôi sẽ cân nhắc chuyện này.
Vừa nãy anh nói, nhiều người cho rằng anh cực đoan. Ở tuổi 60, sự "cực đoan" ấy có phần nào giảm đi?
- Tôi chẳng tăng, chẳng giảm, chỉ đơn giản là kiên định với con đường của mình. Tất nhiên tôi không đến mức không bao giờ thay đổi, nhưng những gì thấy đúng tôi sẽ cứ thế làm. Trong cuộc sống, tôi cởi mở và giao lưu với nhiều bạn bè. Trong công việc, tôi luôn có nguyên tắc rõ ràng: Phải làm những gì mình thấy đúng, thấy hứng thú và mang ý nghĩa tích cực cho xã hội.
Năm 2020 – 2021, các lĩnh vực trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Anh có khó khăn hơn trong việc duy trì thu nhập, khi mà chi phí cho gia đình cũng không hề ít ỏi?
- May mắn là tôi có uy tín nên mỗi năm vẫn nhận vài đơn đặt hàng làm clip, phim tài liệu của các doanh nghiệp, ngần ấy cũng khiến mình đủ sống. Các sản phẩm của tôi đều được đối tác hài lòng và nhiều công ty tiếp tục hợp tác.
Tôi nói thật, làm nghệ sĩ không thể giàu có được đâu. Có một lần sang Hong Kong, tôi gặp Hà Gia Kính (nam diễn viên đóng vai Triển Chiêu trong bộ phim Bao Thanh Thiên – PV), anh ấy bảo tôi, nghệ sĩ bên này cũng khó khăn, hết việc cũng chẳng có tiền. Nghệ sĩ làm nghề chân chính không giàu được.
Mọi người bảo rằng, tính tự trọng anh cao quá nên chẳng bao giờ thấy anh kêu ca, ai cũng nghĩ anh đủ đầy, sung túc?
- Bạn bè tôi cũng nói vậy, họ bảo bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ thấy tôi than thở một lời. Thật ra, tới đâu tôi đều muốn sự có mặt của mình mang lại niềm vui cho người khác, chứ không phải tới để kêu ca giãi bày. Khi tôi ốm, tôi cũng chẳng muốn ai tới thăm. Mình thảm hại, yếu đuối, mình truyền năng lượng đó cho mọi người làm gì?
Có lần, chị Minh Châu (NSND Minh Châu) khi biết chuyện của Bôm đã khóc huhu ngay trên sân tennis. Chị thắc mắc, sao trước đó tôi không chia sẻ. Tôi bảo chị: "Em nói để làm gì đâu, mọi việc qua rồi mà?".
Anh muốn mang niềm vui cho mọi người nhưng lại ôm những nỗi niềm của chính mình vào lòng? Có khi nào, điều đo khiến anh đôi khi bị quá tải?
- Đương nhiên là có những thời điểm tôi kiệt quệ, stress, mà thôi lúc đó mình cố gắng. Nỗi đau ẩn sâu bên trong mới là nỗi đau lớn nhất. Thế nhưng, truyền cho mọi người có làm gì đâu? Xét đến cùng, họ cũng chỉ có thể chia sẻ thôi, chứ đâu giải quyết thay mình được. Tôi có thể vơi bớt một chút, nhưng lại truyền nỗi buồn, sự bất lực khi không thể giúp đỡ cho những người yêu quý mình.
Tôi hay nói với Bôm: Khó khăn ở đó, mình né tránh không giải quyết được gì, cách duy nhất là là đối mặt với nó. Mọi việc sẽ đơn giản hơn khi mình sẵn sàng.
Trong giới nghệ và cả ngoài đời sống, nhiều người đàn ông không đẹp mà vẫn có rất nhiều phụ nữ theo đuổi. Còn anh, anh không chỉ đẹp mà còn tài năng, hẳn anh phải "đối mặt" với việc "bị" nhiều phụ nữ chinh phục?
- Nói một cách thật lòng thì tôi được rất nhiều phụ nữ quý mến. Có điều tôi thường đề phòng và tự hỏi: "Họ yêu nhân vật mình đóng hay yêu bản thân mình?". Trước giờ, tôi luôn chơi bài ngửa và nói thẳng luôn: "Thật ra anh rất nhiều tính xấu. Nhân vật anh đóng đẹp thế thôi chứ cuộc sống ngoài đời nó khác. Anh cũng mặc áo may ô, cởi trần trùng trục, lúc gầy gò khi béo phị ". Rất nhiều lần tôi tìm mọi cách để từ chối, mà thú thật nhiều khi từ chối một người còn khó hơn là yêu họ.
Ở tuổi này, sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời, quan điểm của anh về hạnh phúc thay đổi gì không?
- Nhiều chứ. Hạnh phúc là thứ gì đó rất xa vời. Chúng ta có nói ra hay không thôi chứ ai cũng đều hiểu yêu và kết hôn là hai câu chuyện hoàn toàn khác biệt. Khi yêu chúng ta dành cho nhau những lời đẹp ý hay, nhưng cuộc sống hôn nhân rất khác. Một người xây, một người phá, hoặc cả hai cùng xây nhưng không đồng điệu rồi cũng hỏng.
Vật chất cũng rất rất quan trọng. Cơm áo gạo tiền ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống mỗi người và nghệ sĩ lại càng thiệt thòi, bởi như tôi đã nói, họ không bao giờ giàu được.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
No comments