100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 3): Kịch nói “mất trắng” khán giả vì đâu?
Tại sao sân khấu kịch nói phía Nam từng một thời sống khoẻ?
Trong 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu kịch nói Việt Nam đã có những bước dài đầy chói lọi. Nói như NSƯT Trần Lực là Việt Nam đã có một nền nghệ thuật kịch nói không thua kém gì các nước trên thế giới. Nền nghệ thuật kịch nói đó không mang hồn cốt của dân tộc Việt Nam nhưng cũng mang tính hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ bùng nổ của cơ chế thị trường, với những lý do chủ quan và khách quan mà sân khấu có sự phân hóa rõ nét. Nhiều sân khấu kịch phía Bắc đang đi xuống, trong khi nhiều sân khấu kịch phía Nam vẫn sống khoẻ.
Đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI/UNESCO bộc bạch rằng, sân khấu kịch Việt Nam đang trong một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc nhân bản và mang tính thời đại như ở giai đoạn trước.
Đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành hai khu vực. Khu vực sân khấu kịch phía Bắc với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu kế hoạch và phục vụ cho các kỳ hội diễn hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách nhà nước.
Khu vực sân khấu phía Nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ ngoài công lập hoạt động bằng kinh phí tự thân. Tiêu biểu mở màn cho khu vực này là Sân khấu 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Kịch Edecaf, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Phước Sang, Sân khấu Nụ Cười Mới và gần đây nhất là Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Quốc Thảo.
Điều đáng nói nhất là các sân khấu ngoài công lập phía Nam rất chú ý công tác quảng bá, truyền thông và luôn năng động tìm tòi bám sát vào nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Họ đã tạo nên một đời sống sân khấu khá sôi động nơi luôn sáng đèn và thu hút công chúng hàng đêm với nhiều thể loại kịch khác nhau. Kịch hài, kịch hành động, kịch tâm lý, kịch kinh dị, kịch giả tưởng...
"Có thể thấy nỗ lực lớn lao của các nghệ sĩ sân khấu trẻ phía Nam trong giai đoạn này. Với một nền tảng đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm còn hạn chế, thông tin về những tiến bộ phát triển của sân khấu thế giới gần như phải học hỏi và kiếm tìm gián tiếp qua băng đĩa, nhưng những người làm sân khấu phía Nam tràn đầy đam mê và thực sự cháy hết mình trong ngọn lửa yêu nghề", đạo diễn Lê Quý Dương phân tích.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng nhận định rằng, khi sân khấu kịch nói đã tìm được nơi cư ngụ đắc địa sẽ như "cá gặp nước, như rồng gặp mây". Ví dụ rõ ràng nhất là năm 1997, ở khu vực TP.HCM, sự lên ngôi sân khấu kịch nhỏ với nhiều điểm diễn sáng đèn liên tục như: 135 Hai Bà Trưng, Nhà hát Hòa Bình, Bến Thành, sân khấu Măng Non đường Đồng Khởi...
Đặc biệt, sự lớn mạnh của CLB sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đã được nâng cấp thành Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ, cùng sự bứt phá ngoạn mục của Kịch Edecaf, đã minh chứng cho sự phát triển của thể loại kịch nói Việt Nam trong hình thái sân khấu nhỏ.
Sân khấu kịch nói đang đánh mất đi bản chất thể loại?
Đồng quan điểm với đạo diễn Lê Quý Dương, nhà văn Nguyễn Hiếu cũng cho rằng, khâu quảng bá – truyền thông và đổi mới sáng tạo kịch là điều rất quan trọng để kéo khán giả. Ông đưa ra ví dụ về trường hợp của Sân khấu Lệ Ngọc ở phía Bắc. Trong hoàn cảnh hầu hết các đơn vị biểu diễn của ngành sân khấu đang nỗ lực "đi tìm khán giả" thì sân khấu tư nhân Lệ Ngọc đã làm được những điều không sân khấu lớn nào làm được.
"Sân khấu Lệ Ngọc ra đời mới hơn 3 năm nay nhưng đã trở thành một đơn vị sân khấu có nhiều kỷ lục đáng để các đơn vị sân khấu khác học tập. Đây là đơn vị sân khấu duy nhất của nước ta mang tiết mục đi biểu diễn và tham gia Hội diễn Sân khấu Quốc tế ở nước ngoài và đạt kết quả khả quan. Vở "Tấm Cám" và vở "Huyền thoại gò rồng ấp" còn được tặng Huy chương Hoa dâm bụt (tương đương Huy chương vàng) tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc và Asean.
Đến năm 2020, mặc dù đại dịch đã xuất hiện nhưng Sân khấu Lệ Ngọc đã liên tiếp dựng năm vở để tham gia các hội diễn và đây cũng là một trong hai đơn vị (cùng với Đoàn Kịch nói Hải Phòng) có vở diễn với đề tài rất thời sự về cuộc chống Covid-19 của đất nước. Bất kì tiết mục nào của đơn vị này cũng đạt kỷ lục đêm diễn và người xem. Đây cũng là đơn vị sân khấu có nhiều tiết mục phục vụ thiếu nhi nhất trong mỗi dịp hè.
Các nhà chuyên môn khi cắt nghĩa về hiện tượng đắt khách, hấp dẫn khán giả của Sân khấu Lệ Ngọc thường nêu lên biện pháp tiếp thị và quảng cáo của đơn vị này. Nhưng việc đưa các vở diễn về gần với cuộc sống bằng cách phản ánh một cách trực diện những vấn đề nóng hổi cũng cần được nhìn nhận cho thật đúng.
Chừng nào các vở diễn của sân khấu tiếp cận, phản ảnh được những đề tài đang được xã hội quan tâm… Bên cạnh đó, về hình thức nghệ thuật nếu từng bước cải tiến phương pháp nghệ thuật của mình với đầy đủ đặc trưng quyến rũ của sân khấu, tôi tin lúc đó sân khấu nước ta sẽ hấp dẫn được khán giả", nhà văn Nguyễn Hiếu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích thêm rằng: "Thử gạt bỏ lý do khách quan về đại dịch Covid-19 trên toàn toàn cầu, xét kịch là thể loại chủ chốt và cách sáng tạo vở diễn kịch thì việc "mất trắng khán giả" của kịch nói lại do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất thể loại của nó, đó là sự đối thoại với đương thời.
Trước khi về cõi an nhàn, năm 2015, trong hội thảo về "Tự do sáng tạo trong sân khấu kịch", đạo diễn, NSND Đình Quang đã nhấn manh sự mất mát rất đặc hiệu này của thể loại kịch là mất đối thoại với khán giả. Bởi vậy, họ đã không muốn đến nhà hát để được đối thoại với vở diễn kịch về những vấn đề thế sự, trong xã hội hiện đại Việt đương nảy sinh hàng loạt bức xúc, khiến ai ai cũng phải nghĩ ngợi, trăn trở… muốn đối thoại để tìm câu trả lời.
Kiểu viết kịch đổi mới, chứa đựng những vấn đề đang đặt ra từ đời sống, với tổ chức đối thoại khốc liệt và sắc sảo, thậm chí "gây hấn" như kịch bản của Xuân Trình, Nguyễn Đình Thi, Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Chu Lai, Nguyễn Đăng Chương, đặc biệt là kịch Lưu Quang Vũ thời đổi mới… vẫn không chiếm tỉ lệ áp đảo và không đủ cứu vãn tình trạng chung của sân khấu Việt Nam hiện nay".
No comments