“Tôi từng rơi nước mắt khi chứng kiến nhà văn Sơn Tùng đau đớn đến co giật” - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

“Tôi từng rơi nước mắt khi chứng kiến nhà văn Sơn Tùng đau đớn đến co giật”

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khá xúc động khi chia sẻ với Dân Việt về những kỷ niệm với nhà văn Sơn Tùng. Với ông, nhà văn Sơn Tùng đúng nghĩa là một nhà văn chiến sĩ, một người đại diện cho vẻ đẹp và khí phách của các nhà văn cách mạng.

Lúc một người bạn văn của nhà văn Sơn Tùng lúc sinh thời, ông cảm nhận như thế nào về con người nhà văn xứ Nghệ?

- Sáng nay, tôi được người ta báo tin nhà văn Sơn Tùng qua đời từ tối qua (21/7). Thực sự mà nói, tôi biết tình trạng bệnh tình và sức khoẻ của anh Sơn Tùng nhiều năm qua. Và anh sống được đến tuổi 93, không chỉ đơn giản là một nghị lực phi thường của anh mà còn nhờ bàn tay chăm sóc của chị Hồng Mai, vợ anh. 

“Tôi từng rơi nước mắt khi thấy nhà văn Sơn Tùng lên cơn co giật vì vết thương tái phát” - Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Tùng với bìa cuốn "Búp sen xanh" do NXB Kim Đồng xuất bản. Ảnh: Giáng Ngọc.

Chị là một y tá, từng chăm sóc anh lúc anh bị thương trong chiến trường và sau đó hai người nên duyên chồng vợ. Chị là một người vợ thủy chung, một đời tận tụy chăm lo cho cuộc sống và sự nghiệp của chồng. Tôi còn biết, chị Hồng Mai là người đã âm thầm ghi lại hàng trăm cuộc nói chuyện của anh Sơn Tùng về các tác phẩm mình viết, nhất là các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tôi, anh Sơn Tùng là một người yêu nước nồng nàn. Anh là người đã dấn thân vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bằng tinh thần của một người chiến sĩ, phóng viên. Anh từng đặt chân đến những nơi gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến vệ quốc và không màng hiểm nguy, gian khó. Tôi từng rất xúc động khi nghe câu chuyện anh Sơn Tùng nén đau thương lúc biết tin em trai ruột hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị lên khuôn kỳ báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

 Năm 1971, anh bị thương nặng ở chiến khu Đ, thuộc mặt trận Tây Ninh. Mảnh đạn M79 găm khắp thân thể khiến anh chấn thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải hầu như bị liệt không đi lại được, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn hai ngón, thị lực còn 1/10, tai bị rách phải khâu lại không biết bao nhiêu lần, trí nhớ sụt giảm. Vậy mà anh vẫn vượt qua nỗi đau về thể xác, nỗi đau tinh thần và muôn vàn khó khăn bằng một nghị lực phi thường để cầm bút viết. Anh xứng đáng là một người Anh hùng Lao động – đại diện cho vẻ đẹp, khí phách của các nhà văn cách mạng.

Trong những lần gặp gỡ và trò chuyện cùng nhà văn Sơn Tùng, ông có kỷ niệm gì đáng nhớ?

- Tôi có may mắn được gặp gỡ anh Sơn Tùng nhiều lần. Lần nào tôi cũng thấy anh Sơn Tùng nói về Bác Hồ với một niềm say mê và một lòng kính trọng vô cùng. Tôi cảm nhận được tình yêu lớn lao mà anh Sơn Tùng dành cho Bác Hồ. Có lẽ vì thế, những tác phẩm anh viết về Bác Hồ rất chân thật, xúc động và giá trị. 

“Tôi từng rơi nước mắt khi thấy nhà văn Sơn Tùng lên cơn co giật vì vết thương tái phát” - Ảnh 2.

Nhà văn Sơn Tùng lúc sinh thời. Ảnh: Trần Hồng.

Những tác phẩm của anh Sơn Tùng có tác dụng rất lớn đối với các thế hệ trẻ, đặc biệt là những tác phẩm viết về hình tượng Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng. Những tác phẩm như: "Búp sen xanh", "Chân dung một tình thương của Bác", "Trần Phú"… đã đi vào lòng người từ nhiều năm nay rồi. Những tác phẩm này đã trở thành hành trang vô cùng quý báu đối với người dân Việt Nam.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với anh Sơn Tùng, nhất là những lần đến thăm anh ở căn hộ tập thể ở Khu tập thể Văn Chương trong Ngõ Văn (ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội). Nhiều lần tôi rơi nước mắt khi chứng kiến anh lên cơn co giật lúc đang ngồi nói chuyện vì những vết thương chiến tranh tái phát. Những lúc đó anh đau đớn khôn cùng, chân tay co quắp lại… nhưng anh không hề kêu ca. 

Thậm chí, vì chỉ còn hai ngón tay nên anh phải buộc bút vào tay để viết hoặc chị Hồng Mai phải buộc anh vào ghế khi anh ngồi viết để tránh những cơn co giật xúc động làm cơ thể bị liệt của anh ngã xuống. Tôi thấy sự chịu đựng của anh Sơn Tùng quá đỗi phi thường.

Theo ông, nhà văn Sơn Tùng xứng đáng được đặt ở vị trí nào trong văn đàn Việt Nam?

- Ở nhà văn Sơn Tùng, có dũng khí, khí phách của một nhà văn chiến sĩ, một nghệ sĩ chiến sĩ và có cả chất "gàn" của một ông đồ xứ Nghệ. Trong chiến tranh ác liệt, anh đã vượt lên mọi sự hiểm nguy để chiến thắng kẻ thù, lúc trở về đời thường anh lại vượt lên đau đớn để chiến thắng bệnh tật.

“Tôi từng rơi nước mắt khi thấy nhà văn Sơn Tùng lên cơn co giật vì vết thương tái phát” - Ảnh 3.

Nhà văn Sơn Tùng đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Ảnh: TL.

Tôi biết anh đã nhiều lần nói lời từ chối khi cấp trên muốn cấp nhà mới cho anh. Bao nhiêu năm qua, vợ chồng anh vẫn sống cuộc sống bần đạm, tằn tiện, chắt chịu… trong căn nhà tập thể chật hẹp. Dẫu vậy, cứ mỗi lần có ai đề cập đến chuyện tặng nhà là anh lại gạt đi, nhường cho các gia đình thương binh – liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tấm lòng, nhân cách của anh thật đáng trân trọng. Anh đã sống một cuộc đời ý nghĩa, cống hiến đến tận cùng cho cách mạng, cho đất nước, cho nhân dân.

Tôi tin là những tác phẩm của anh sẽ sống mãi với dòng chảy văn học và trong tâm tưởng của nhân dân. Với tôi, anh Sơn Tùng là một nhà văn anh hùng và anh xứng đáng được tôn vinh ở vị trí cao nhất.

Cảm ơn nhà văn Hữu Thỉnh đã chia sẻ.

No comments