NSND Lệ Thủy và Thanh Tuấn thời hoàng kim: Hát ở giữa ruộng vì không đủ chỗ
Cơ duyên NSND Thanh Tuấn và Lệ Thủy kết hợp
NSND Thanh Tuấn là một trong những nghệ sĩ cải lương gạo cội. Nổi tiếng khi có nhiều sáng tác nổi tiếng như: Cuối nẻo đường yêu, Cuộc đời Mạc Mậu Hợp…
Những năm đầu thập kỷ 90, Lệ Thủy chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực video cải lương. Một số vở cải lương từng gắn với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy khi hát ở đoàn Kim Chung 5 cũng được quay video như: Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa, .... Sau thập niên 1990, nghệ sĩ Lệ Thủy đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh miền Tây, các vùng sâu, đem tiếng hát của mình gần hơn với khán giả nông thôn.
Các đồng nghiệp mà Lệ Thủy đã hát, diễn chung gồm nhiều nghệ sĩ: Minh Vương, Minh Phụng, Út Bạch Lan, Thanh Tuấn, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Sang, Bảo Quốc, Thanh Ngân, Phượng Hằng...
Trong đó, ngoài người bạn tri kỷ là NSND Minh Vương, Lệ Thủy còn gây tiếng vang khi kết hợp cùng NSND Thanh Tuấn. Cả hai để lại dấu ấn trong nhiều vở diễn kinh điển như Mạnh Lệ Quân, Tây Thi Phạm Lãi, Mỵ Châu Trọng Thủy, Lỡ bước sang ngang…
Nói về cơ duyên hợp tác cùng đồng nghiệp, NSND Thanh Tuấn kể: "Năm 1972, sân khấu Kim Chung có rất nhiều đoàn. Lệ Thủy đi bên đoàn 5 còn tôi đi bên đoàn 2. Tại rạp Olympic, ông bầu Long thường đưa các đoàn về hát thay phiên nhau. Trong đó, đoàn của hai chúng tôi là thường trực ở đó.
Tôi còn nhớ ông ấy đưa tôi về hát tăng cường chung đoàn Kim Chung 5 với Lệ Thủy và anh Minh Phụng. Chúng tôi hát trong tuồng Người phu khiêng kiệu cưới. Đêm diễn đầu, tôi được Lệ Thủy giúp đỡ, chỉ đi ra đi vô, nhắc thoại cho tôi vì chưa nhuần nhuyễn".
Diễn chung với nhau nhiều năm, NSND Thanh Tuấn dành nhiều lời khen cho NSND Lệ Thủy, ông cho biết: "Tới giờ này, khó tìm được một Lệ Thủy thứ hai. Cô ấy có đặc thù riêng của mình. Về giọng ca thì đến giờ vẫn không có ai thay thế được. Cái mộc mạc, chân phương, hiền lành của một người đào hát, hiếm ai có được như Lệ Thủy. Trong giới, cô ấy sống rất tình cảm, hài hòa".
Riêng NSND Lệ Thủy, bà cho biết lần đầu gặp NSND Thanh Tuấn đã bị lôi cuốn bởi giọng hát nội lực, ngọt ngào. Tuy nhiên, do ông là người gốc Quảng Ngãi nên phát âm khi hát đôi chỗ bị cứng, không rõ. Từ đó, nữ nghệ sĩ cứ thắc mắc, tò mò đến khi được bạn diễn giãi bày thì bà mới nhận ra. Sau đó, cả hai được nhiều hãng đĩa mời thu âm và tên tuổi ngày càng được lan tỏa.
Thời hoàng kim, cả hai hát cho 7.000 khán giả
Ngoài biểu diễn ở TPHCM, các đoàn cải lương còn đi khắp nơi để phục vụ bà con nông thôn. Nhớ lại kỷ niệm đi hát ở miền Tây với Lệ Thủy, NSND Thanh Tuấn kể lại: "Khi đoàn Sài Gòn 2 đi miền Tây, tôi cùng Lệ Thủy và ê-kíp xuống hát ở ruộng không à, chỉ ở đó mới chứa nổi. Chiều 3-4 giờ là thấy bà con cầm ghế, cầm chiếu đến trải ngồi. Một đêm chúng tôi hát cho 5.000-7.000 người xem. Đoàn phải mở đến 3 phòng bán vé mới kịp cho khán giả mua. Ở nông thôn, chúng tôi diễn đến 5 đêm liền. Ra thành phố thì 7 đêm liền một tuần, ngày nào cũng cháy vé".
Nhớ lại những kỷ niệm thời hoàng kim, Thanh Tuấn và Lệ Thủy bồi hồi. Hai nghệ sĩ gạo cội cũng mong muốn cải lương sẽ tiếp tục được "thắp sáng" và trường tồn với thời gian.
No comments