Nhà văn Sơn Tùng: Người thương binh ¼ mang ý chí sống và nghị lực phi thường - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Nhà văn Sơn Tùng: Người thương binh ¼ mang ý chí sống và nghị lực phi thường

Thông tin nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 93 khiến nhiều người thương tiếc. Người ta thương tiếc không chỉ bởi ông là nhà văn có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông còn là một "nhà văn anh hùng", một "búp sen xanh toả hương thơm ngát"… giữa đời thường.

Cho đến nay, ông là nhà văn duy của văn đàn Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ít người biết, ông còn là thương binh hạng nặng 1/4, mang trên mình tới 14 vết thương, ba mảnh đạn găm trong sọ não. Bằng ý chí sống mạnh mẽ, ông đã vượt qua những đau đớn giày vò, kiên cường cầm ngòi bút để tiếp tục tận hiến và sáng tạo.

Lễ tang nhà văn Sơn Tùng sẽ diễn ra từ 7h30 đến 8h30 ngày 26/7 (17/6 âm lịch) tại số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó di quan, về quê biển làng Kim, xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi vừa hay tin nhà văn Sơn Tùng qua đời đã có những chia sẻ bày tỏ niềm thương tiếc đối với nhà văn: "Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông". 

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng có những dòng tâm sự đầy tê tái: "Chú Sơn Tùng - Nhà văn, Thương binh nặng, Anh hùng lao động đã sống, viết, trong khổ đau, bần hàn, cùng cực vẫn ngạo nghễ, cao thượng, son sắt, đanh thép. Một con người phi thường và hiếm hoi. Xin chia tay chú! Chú rời cõi tạm để bớt khổ đau, giằng xé, nhiều khi bất lực, chú nhé!".

Nhà thơ Phạm Thu Yến cũng viết : "Kính cẩn bái biệt nhà văn, Anh hùng lao động vô cùng đáng kính trọng về nhân cách và tài văn." Nhà văn Minh Chuyên nhắn gửi: "Cầu cho hương hồn ông về cõi thiêng nơi cửa Phật. Vĩnh biệt một tấm gương lao động nghệ thuật đặc biệt, một nhà văn anh hùng cũng rất đặc biệt."

Người phóng viên miệt mài tác nghiệp tại vùng lửa đạn

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, một ngôi làng nằm sát biển. Gia đình ông là một gia đình nhà nho, dù nghèo túng nhưng luôn coi trọng chữ nghĩa.

Từ 1944 đến 1971, trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ông hoạt động năng nổ trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên. Sau khi Hà Nội giải phóng,ông vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong.

Nhà văn Sơn Tùng: Người thương binh ¼ mang ý chí sống và nghị lực phi thường - Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: CAND)

Năm 1965, Sơn Tùng tác nghiệp chủ yếu tại vùng lửa đạn chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam Bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc với bút danh Sơn Phong.

Năm 1971, biến cố xảy ra với nhà văn Sơn Tùng. Máy bay bắn phá căn cứ Tà Nốt (thuộc tỉnh Tây Ninh) khiến ông bị thương rất nặng, mảnh đạn M79 găm khắp thân thể. Ông bị chấn thương sọ não, vỡ xương vai, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn hai ngón, thị lực còn 1/10, trí nhớ sụt giảm.

Hành trình phi thường của người đàn ông mang trí mệnh

Nhà văn Sơn Tùng rời khỏi cuộc chiến với chứng nhận thương binh hạng 1/4, nặng nhất theo thang bậc thương binh ở Việt Nam, xuất ngũ với 14 vết thương trên mình, mất 81% sức khỏe. Thế nhưng, Sơn Tùng vẫn tiếp tục cầm bút với vai trò là phóng viên. Ông là cây bút chuyên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Nhà văn Sơn Tùng: Người thương binh ¼ mang ý chí sống và nghị lực phi thường - Ảnh 2.

Nhà văn Sơn Tùng luôn có sự đồng hành cùng người vợ tảo tần - bà Phan Hồng Mai. (Ảnh: Báo Giao thông)

Bệnh tật và những vết thương hành hạ nhà văn hàng ngày, bàn tay phải chỉ còn 3 ngón tay bị co quắp nhưng ông vẫn kiên cường làm việc, với sự hỗ trợ tận tụy của người vợ thủy chung, bà Phan Hồng Mai, vốn là một y tá từng chữa trị cho ông từ mặt trận. Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện trong phòng văn rộng chưa tới 4m2 tại căn hộ tập thể trên phố Khâm Thiên.

Tác phẩm ghi dấu ấn nhất trong sự nghiệp văn học của nhà văn Sơn Tùng, được hàng triệu độc giả các thế hệ yêu thích chính là "Búp sen xanh". Đây cũng là công trình được ông bắt đầu từ năm 1948 và kéo dài cho tới năm 1980. Bằng những chuyến đi không biết mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, ông đã gặp nhiều nhân chứng lịch sử, tái dựng thời thơ ấu đẹp đẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà văn Sơn Tùng: Người thương binh ¼ mang ý chí sống và nghị lực phi thường - Ảnh 3.

"Búp sen xanh" - tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc yêu mến. (Ảnh: NXB Kim Đồng)

"Búp sen xanh" có độ dài khoảng 300 trang, được nhà văn chia làm 3 chương: "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu" và "Tuổi hai mươi". Ngay khi ra đời, tác phẩm đã tạo nên một tiếng vang lớn trên văn đàn. Gần 40 năm kể từ ngày ra mắt (1982), với không ít những thăng trầm, đến nay tiểu thuyết "Búp sen xanh" liên tục được tái bản, một điều hiếm thấy trong đời sống văn học Việt Nam.

Nói về tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mọi tình cảm của tôi đều bắt đầu từ sự kính trọng. Nhưng nếu chỉ kính trọng và có nhiều tư liệu thì vẫn chưa đủ, mà phải thật sự yêu quý một tài năng, một nhân cách. Đã có nhiều đoạn tôi viết trong nước mắt…"

Ngay khi đọc xong "Búp sen xanh", thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời nhà văn Sơn Tùng lên trò chuyện thân mật. Ông còn đích thân viết lời tựa cho "Búp sen xanh" khi tiểu thuyết này tái bản lần thứ nhất.

Ngoài "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng còn có khối lượng tác phẩm văn học đáng ngưỡng mộ với khoảng 40 đầu sách, trong đó hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ. Ông cũng viết 2 tiểu thuyết chiến tranh là "Trái tim - Quả đất" viết về Chiến dịch Biên giới (1950) và "Lõm" viết về Tổng tiến công Mậu Thân (1968).

Đánh giá về sự nghiệp văn chương của nhà văn Sơn Tùng, GS Phan Ngọc từng viết: "Đó là con đường khiến anh trở thành con người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh với một "Phong cách Sơn Tùng". Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì gọi ông là "người có trí lực", với một chặng đường văn chương bền bỉ và đầy nghị lực.

Đêm qua (22/7), nhà văn Sơn Tùng đã về với cõi vĩnh hằng sau một thời gian dài chống chọi với những đớn đau vì bệnh tật. Ông tạ thế, nhưng những tác phẩm của ông sẽ còn mãi với dương gian, như một biểu tượng của nghị lực sống phi thường, một ngòi bút bền bỉ không chịu khuất phục bởi thời gian và những cuộc chiến.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Tùng:

• Bên khung cửa sổ (NXB Lao động, 1974)

•Nhớ nguồn (NXB Phụ nữ, 1975)

• Con người và con đường (NXB Phụ nữ, 1976)

• Trần Phú (NXB Thanh niên, 1980)

• Nguyễn Hữu Tiến (NXB Thanh niên, 1981)

• Bông sen vàng (NXB Đà Nẵng, 1990; NXB Kim Đồng, 2016)

• Trái tim quả đất (NXB Thanh niên, 1990)

• Hoa râm bụt (NXB Công an Nhân dân, 1990)

• Mẹ về (NXB Phụ nữ, 1990)

• Vườn nắng (NXB Thanh niên, 1997)

• Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (NXB Công an Nhân dân, 2005)

• Bác ở nơi đây (NXB Thanh niên, 2005)

• Chung một tình thương của Bác (NXB Thông tấn, 2006)

• Lõm (NXB Thanh niên, 2006)

• Tấm chân dung Bác Hồ (NXB Kim Đồng, 2013)

• Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng (NXB Kim Đồng, 2015)

• Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (NXB Kim Đồng, 2016)

(Theo NXB Kim Đồng)

No comments