Kể chuyện làng: Nhớ món cà dầm tương của mẹ - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Kể chuyện làng: Nhớ món cà dầm tương của mẹ

Kể chuyện làng: Nhớ món cà dầm tương của mẹ - Ảnh 1.

Món cà dầm tương xứ Đoài. (Ảnh: Thu Ngân Trần)

Cà dầm tương hay được gọi là cà tiến vua, sở dĩ có cái tên như vậy là vì trước kia nó đã sánh ngang sơn hào hải vị tứ phương, được đem lên cho vua chúa dùng. Nhắc đến cà dầm tương nức tiếng xứ Đoài, người ta nhớ ngay tới làng Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội.

Cà dầm tương của quê tôi đã đi vào câu ca dao:

                                                Anh đi anh nhớ quê nhà

                                    Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Từ nhỏ, tôi ít được ăn cà dầm tương, không phải vì nó hiếm mà là nó đắt. Cà dầm tương rất có giá, trên thị trường khi đó một quả cũng phải bằng một bữa thịt. Khi đó, nhà tôi còn nghèo, không thể mua cà dầm tương suốt dù nó rất ngon, cả nhà ai cũng thích ăn. Sau đó, mẹ tôi đã học cách làm cà dầm tương cho chúng tôi ăn…

Cà dầm tương làm rất khó, nó đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người làm, cùng với sự chắt lọc nguyên liệu thơm ngon. Cà phải chọn những quả to, đều, tươi, đem về tách núm và rửa sạch. Sau khi rửa xong, sẽ ủ muối lên núm vừa tách đó đem đi ướp. Khi cà đã ngả sang độ chín vừa, muối cũng đã ngấm sâu vào cà thì vớt ra rửa thật sạch sẽ. Cà sẽ được để ráo nước cho đến khi được ngâm vào tương.

Chọn tương là bước khó nhất, tương là món ăn gần gũi với mỗi người chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng sành cho việc ăn và chọn tương thật chuẩn. Tương ngon sẽ quyết định đến cà có ngon hay không. Tương được làm từ gạo nếp, đậu tương… tất cả những nguyên liệu cần phải được chọn lọc kĩ càng, sử dụng đúng lượng, tỉ lệ chuẩn cùng với thời gian ngâm để tạo ra được món mang hương vị mộc mạc của làng quê Việt Nam.

Thời gian ngâm cà trong tương càng lâu, quả cà sẽ càng ngon. Cà sẽ rít hết chất tinh túy, ngon nhất của tương vào trong, chỉ để lại bã đặc đặc bên ngoài vại. Khi cà để đến thời gian nhất định, nếu cắt ra ruột và thịt cà sẽ dính lại với nhau như một miếng bánh trung thu đầy hấp dẫn, thu hút những bữa cơm canh vào ngày hè. 

Đôi khi, một bát cà ngâm tương cùng bát canh rau muống dầm sấu còn đắt hàng hơn thịt trong mâm cơm ngày hè oi bức. Đặc biệt, đây là một món cà lành tính, không gây độc hại, thời gian ướp rất lâu, đó là lý do tại sao giá thành của nó lại cao đến vậy. Cà dầm tương không chỉ là một món ăn, đặc sản mà nó còn đại diện cho sự tinh túy ẩm thực Việt, sự gần gũi, mộc mạc của làng quê nhà tranh, bếp củi, tình làng nghĩa xóm chia nhau quả cả muối mặn.

Kể chuyện làng: Nhớ món cà dầm tương của mẹ - Ảnh 2.

Cà dầm tương cùng canh rau muống dầm sấu. (Ảnh: Thu Ngân Trần)

Thời gian cứ thấm thoát dần trôi, chúng tôi đều lớn cả, làng xã tôi cũng thay đổi. Tôi hiện đang sinh sống và học tập tại nội thành Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần lại về quê với gia đình. Hiện nay, quê tôi phát triển rất nhanh, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Những dãy đường, dãy phố cũng ngày một sầm uất, đông người, nhộn nhịp hẳn lên. 

Làng quê tôi giờ chẳng còn những cánh đồng nữa, dở dang, ít người chăm lo. Những chiếc xe đạp phượng hoàng cũng dần được thay bằng những con ô tô thời thượng. Những mái nhà tranh, bếp củi nhả đầy khói vào chiều muộn, mùi hương đốt rơm rạ cũng chỉ còn lại trong kí ức. Làng quê phát triển là vậy, nhưng vẫn ẩn chứa tình làng nghĩa xóm, sớm tối có nhau và đó chính là cái hồn của làng quê, dù có thay da đổi thịt, làng vẫn là làng.

Mỗi lần tôi về, trong mâm đều có món cà dầm tương của mẹ. Giờ thỉnh thoảng, mẹ tôi sẽ ướp một vại cà dầm tương, đủ để gia đình ăn và đem chia cho hàng xóm mỗi người một vài quả. Cà tuy chẳng có nhiều, nhưng chan chứa tình cảm làng xóm, tắt lửa sáng đèn có nhau. Mẹ tôi là vậy, có món gì ngon dù nhiều hay ít vẫn thường mang đi chia cho cả xóm. Món cà vẫn ngon, ngọt như những ngày bé tôi ăn, chỉ khác một chút là cà dầm tương của mẹ ngọt hơn, cái ngọt đó không phải là của cà hay tương mà đó là của tình yêu, sự mong ngóng, nhớ thương.

Tôi sẽ không bao giờ quên được hương vị của nó, bởi cà dầm tương dường như đã gói cả "mùi vị" của quê hương tôi theo cùng. Tôi dù có đi bao nhiêu nơi, ăn bao nhiêu món ngon vật lạ cũng không thấy món nào ngon như cà dầm tương của mẹ, bởi cà dầm tương không thể thiếu trong bữa cơm, mà mâm cơm đối với người Việt còn có ý nghĩa là đoàn viên.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                                                                                  

No comments