Làm lãnh đạo có khó?
Chỉ hơn 200 trang sách khổ nhỏ (13 x 17cm), nhưng cuốn sách "Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo" là cả một kho tàng kỹ năng lãnh đạo, tư duy lãnh đạo.
Cuốn sách Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo của tác giả Phạm Duy Hiếu (từng là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam) do Nhà xuất bản Công thương và Alpha Books phối hợp phát hành là tập hợp 50 câu hỏi và trả lời dễ theo dõi, dễ vận dụng gửi gắm thông điệp tinh tế về thái độ sống, thái độ làm việc cũng như những góc nhìn hoàn toàn mới về "lãnh đạo".
Trong Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhà lãnh đạo không ra đời trong các trường lớp, các nhà lãnh đạo trưởng thành do trải nghiệm và vô vàn bài học được đúc kết từ những trải nghiệm ấy. Đọc sách để hiểu rằng: “Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo, theo nhiều cách khác nhau”.
Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo mở ra lối tư duy đa chiều trong giải quyết tình huống và là sự kết nối - kết nối những suy nghĩ, câu hỏi về lãnh đạo, về phát triển bản thân đến hành trình của học hỏi, hành động, của trải nghiệm, dấn thân. Cuốn sách đã truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực tới mọi đối tượng độc giả và gây ấn tượng mạnh với phần minh họa sinh động, nét vẽ hiện đại của KTS Trịnh Tuyết Mai.
Tác giả Phạm Duy Hiếu cho rằng: “Sức mạnh nằm trong tay ai có khả năng khai thác tiềm năng con người”. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần thiết nhưng con người mới là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc cách mạng này. Nếu mỗi nhà lãnh đạo chỉ coi nhân viên là một cái máy, một con robot sẽ bỏ qua nhiều thứ quý giá.
Ông chia sẻ sau mỗi ngày làm việc, thường đặt ra và trả lời 3 câu hỏi: Hôm nay mình đã làm được gì? Mình đã học được điều gì? Mình có thể tốt hơn không? Thói quen này giúp ông điều chỉnh được hành vi của mình. Từ đó cải thiện được năng suất và hiệu quả làm việc, làm thay đổi kết quả của tổ chức đang làm việc. Khi tham gia những buổi tọa đàm với các bạn trẻ, CEO Phạm Duy Hiếu luôn khẳng định rằng một tổ chức muốn thành công, cần chú ý đến việc truyền đam mê cho những người trong tổ chức. Các nhà lãnh đạo cần tạo ra cơ hội cho tất cả đội ngũ được tham gia, đóng góp vào quá trình thay đổi, như vậy mới khơi gợi được niềm đam mê trong họ. Khi thiếu ngọn lửa đam mê, chương trình hành động nào có lớn lao đến đâu cũng khó mà thành công.
Tình Lê
Học cách yêu thương qua cuốn sách 'Lắng nghe hơi thở'
Lắng nghe hơi thở mang đến nhiều bài học về cuộc sống hàng ngày, dạy con người biết yêu thương, buông xả, tìm kiếm hạnh phúc,...
No comments