Khán giả và nghệ sĩ: Ai nuôi ai?
Với câu chuyện quan điểm "khán giả nuôi sống nghệ sĩ", nhiều người trong nghề đã bày tỏ quan điểm dựa trên cảm nhận và góc nhìn cá nhân.
Những ngày qua, bài viết của đạo diễn Bùi Quốc Bảo xung quanh quan điểm "khán giả không nuôi nghệ sĩ" và "nghệ sĩ không cần tri ân khán giả" gây nên nhiều tranh luận trái chiều trên mạng.
Đạo diễn viết: "Nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?...". Theo anh, nghệ sĩ tự nuôi bản thân chứ không phải được khán giả "nuôi'. Bởi để có hào quang, tiền bạc họ cũng đều đánh đổi tương xứng từ công sức của mình.
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo với bài viết khơi nguồn tranh cãi từ giới nghệ sĩ và khán giả. |
Bài viết đã góp phần khơi mào tranh cãi từ nghệ sĩ lẫn dư luận với những quan điểm, ý kiến trái chiều qua góc nhìn mỗi người. Trong đó, một bên mong muốn sự công bằng rạch ròi, bên còn lại đặt khán giả theo phương diện tình cảm và sự trân trọng.
"Khán giả không nuôi nghệ sĩ!"
Trên trang cá nhân, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đăng tải dòng chia sẻ xung quanh vụ việc. Nữ MC cho rằng quan niệm chữ “nuôi" có nghĩa là một bên cho và một bên nhận và bên nhận không cần phải “lại của" bằng bất kỳ hình thức nào.
“Còn khi chúng ta nói “khán giả nuôi nghệ sĩ” thì điều đó chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, không cần ca hát, đàn, diễn, múa... Nói chung là chỉ “ngậm miệng ăn tiền” thì Kỳ Duyên nghĩ đó mới gọi là nuôi”, nữ MC chia sẻ.
Bài viết của Kỳ Duyên nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý với hơn 10 nghìn bình luận. Bên cạnh số ít ý kiến đồng tình, đa số mọi người bày tỏ không hài lòng, phản biện hay thậm chí chỉ trích nữ MC.
Kỳ Duyên và Vy Oanh thẳng thắn thể hiện quan điểm ngược với số đông.
Ca sĩ Vy Oanh cũng thẳng thắn nêu quan điểm tất cả mối quan hệ trong cuộc sống hay nghệ thuật đều là "cộng sinh". Họ có thể chịu ơn nhau về sự quý mến, tình cảm nhưng không nên vì thế mà xem là "thước đo" cho từ "nuôi".
"Không thể phủ nhận tình cảm của khán giả và biết ơn vì điều đó. Nhưng cũng không thể phớt lờ công sức của nghệ sĩ vì không dưng ai mang tiền đến cho, cứ ngồi không hưởng thụ", cô chia sẻ với người bạn. Giọng ca Đồng xanh cho rằng đã đến lúc mọi người cần "sòng phẳng" với nhau để tạo cái nhìn và sự thoải mái cho chính cả hai phía.
Trong khi đó, MC Quốc Bình khẳng định nghệ sĩ cũng như bao ngành nghề khác - tức phải lao động và tạo dựng giá trị để đổi lại những thứ tương xứng, thay vì luôn định kiến với suy nghĩ "cho - nhận" như bấy lâu nay.
"Khán giả - nghệ sĩ nuôi lẫn nhau"
Với suy nghĩ đối lập quan điểm trên, một số nghệ sĩ cũng nêu cảm nhận khác về vụ việc. Ca sĩ Trịnh Thăng Bình nhận nhiều sự tán đồng với ý kiến: "Khán giả có quyền nghĩ mình nuôi nghệ sĩ ở khía cạnh nào đó, một view của khán giả khi ủng hộ sản phẩm nhạc của nghệ sĩ hay một lời quảng cáo và giới thiệu đến bạn bè về sản phẩm cũng tạo ra những giá trị vô hình cho nghệ sĩ".
Nam ca sĩ dẫn chứng từ câu chuyện bản thân anh với khoảng thời gian bế tắc vì bị chối bỏ từ người trong nghề. Đổi lại, anh nhận được tình thương và sự ủng hộ, động lực từ fan để có chỗ đứng như hôm nay. "Riêng cá nhân tôi nghĩ mình có được như ngày hôm nay là nhờ khán giả. Cho nên tôi vẫn theo phe khán giả là khách hàng mà khách hàng là Thượng Đế", anh nói.
Nathan Lee cũng đưa ra suy nghĩ trung lập rằng khán giả nuôi nghệ sĩ là có. Nhưng ngược lại, chính người làm nghệ thuật cũng "nuôi" khán giả bằng chất xám của sự sáng tạo, cảm xúc qua tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh làm bài thơ với các tứ: "Khán giả nuôi nghệ sĩ/ Nghệ sĩ nuôi tác phẩm / Tác phẩm nuôi linh hồn/ Ôi những linh hồn tội nghiệp..." qua đó cho thấy góc nhìn bản thân. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng chia sẻ khi nghệ sĩ sai, công chúng có quyền bênh vực, phê phán, chê bai hoặc thậm chí tẩy chay, vì đó là quyền của họ. Ngược lại khi khán giả sai, nghệ sĩ có quyền buồn bực, lên tiếng, trách móc, giận dỗi nhưng tuyệt đối không được nói câu "không cần khán giả" vì câu đó xúc phạm những người không sai và đang yêu quý mình.
Đạo diễn Đức Thịnh nói mọi sự so sánh là khập khiếng nếu đôi bên tranh cãi không cùng một vị trí và góc nhìn. |
Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng mọi vấn đề về sự so sánh, hơn thua đều sẽ không có kết quả nếu mỗi bên lại không cùng một hệ quy chiếu để soi xét, nhìn nhận. Anh cho rằng vụ việc nên cần khép lại bởi cuộc sống có nhiều thứ quan trọng, đáng để tâm hơn nhiều. ''Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau' mà phải không?", anh dẫn lời bài hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để khép lại bài viết.
Đỗ Mạnh Cường thẳng thắn nghệ sĩ không cần khán giả thì chẳng khác gì kinh doanh không cần khách hàng. Nhà thiết kế so sánh người ta chết có thể vì không có tiền chứ sẽ không chết vì không được nghe nhạc, xem phim hay thưởng thức nghệ thuật. Do đó, trân trọng nhau và cống hiến là điều cần thiết thay vì tranh cãi.
Thúy Ngọc
'Mỹ Anh - con gái Mỹ Linh cần sự cảm thông giơ cao đánh khẽ từ cộng đồng'
Đa phần người ta hay đánh giá, phán xét quá đà, có khi lên án vượt quá tính chất/bản chất của sự việc gây tổn thương hoặc hình thành tâm lý tiêu cực cho đối tượng.
No comments