Khán giả 'nuôi' nghệ sĩ khi trẻ, đẹp còn lúc già, xấu thì không?
Khán giả nuôi nghệ sĩ, vì sao chỉ nuôi họ khi trẻ, đẹp, hot; còn khi họ đã già, xấu, qua thời thì không nuôi nữa? Câu trả lời đã nằm ngay ở câu hỏi. Và khán giả yêu thương nghệ sĩ luôn luôn có điều kiện.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
1. Những ngày qua, tôi chán chường khi thấy nghệ sĩ và khán giả đổ xô vào cuộc tranh luận Khán giả có nuôi nghệ sĩ không? Tôi chưa thấy lợi ích gì cụ thể từ cuộc tranh luận này ngoài việc nghệ sĩ và khán giả ngày càng cách xa nhau, các nghệ sĩ động chạm nhau khi ai ai cũng phát biểu quan điểm trong cơn "hăng máu".
Xin phép đặt vấn đề từ các thị trường quốc tế nổi bật như: Mỹ, UK, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nghệ sĩ có cúi đầu cảm ơn khán giả khi kết thúc show không? Câu trả lời là có. Họ phát biểu cảm ơn khán giả trên tivi, trong sự kiện, trên mạng xã hội? Có! Họ trao cho khán giả tình cảm lẫn phúc lợi, lợi ích vật chất? Có luôn! Vậy điểm khác biệt giữa họ và nghệ sĩ Việt Nam là gì? Đó là cả hai bên nghệ sĩ lẫn khán giả không đặt ra những khái niệm như "khán giả nuôi nghệ sĩ", "nghệ sĩ phải biết ơn khán giả", "nghệ sĩ hy sinh thân mình",...
Việt Nam chúng ta từ đặc thù trong giai đoạn đang phát triển nên thường gặp các vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập với thế giới. Ở Việt Nam, những năm đầu thập niên 1930, các nghệ sĩ như Phùng Há, Năm Châu, Năm Phỉ, Bảy Nam... đã đi tiên phong xây dựng khái niệm "nghệ sĩ" theo cách hiểu của bây giờ thay vì quan niệm "xướng ca vô loài" đang phổ biến thời đó. Nên căn nguyên nền tảng văn hóa nghề của nghệ sĩ hôm nay vốn thành hình từ nghệ thuật sân khấu (kịch nói, cải lương, tuồng, chèo...). Đó là tổ hợp của văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, đôi khi là tâm linh. Người nghệ sĩ mới vào nghề luôn được lớp đi trước bảo ban về thái độ kính nghề, kính Tổ nghiệp, ứng xử với tiền nhân, hậu bối, hậu đài... và cả ứng xử với khán giả.
Nghệ sĩ Việt luôn biết ơn khán giả. Nhưng "nuôi" là một nghĩa hoàn toàn khác. |
Văn hóa nghệ thuật sân khấu với tôi là một di sản rất quý của dân tộc. Tuy nhiên, hệ giá trị ấy đã xa lắc hôm nay nên một số thành tố của nó xảy ra xung đột với văn hóa hiện thời. Nhiều lần, tôi xem tivi thấy các nghệ sĩ sân khấu gạo cội liên tục nhấn mạnh nghệ sĩ phải ứng xử với khán giả thế nào, từ cái cúi chào, xưng hô dạ-thưa, thái độ,... vì "khán giả đã nuôi mình". Tôi tự hỏi liệu một ca sĩ hát tiếng Anh, hát Jazz, Opera hay rapper có phải ứng xử theo chuẩn mực của nghệ sĩ kịch nói, cải lương, tuồng, chèo... không?
Và tôi tin rằng, những sự kiện như rapper lên Facebook đáp trả công luận bằng giọng điệu xóc óc khi bị chỉ trích hoặc một nữ nhạc sĩ trẻ khẳng định "Ca sĩ chỉ nên yêu nghề, đừng yêu công chúng"... tiêu biểu cho sự xung đột hệ giá trị mới-cũ, già-trẻ, truyền thống-hiện đại, Tây-Ta ấy. Tôi không ngã ngũ quan điểm của mình tại đây, chỉ nhấn mạnh đây là quá trình hoàn toàn tự nhiên và đúng lộ trình phát triển của văn hóa.
2. Quay lại chủ đề chính, dịch vụ giải trí là loại hình vô cùng đặc thù. Nó không thuần túy quan hệ cung-cầu hay kiểu dịch vụ bồi bàn phục vụ thực khách. Nôm na, đây là loại "hàng hóa" đặc biệt vì chúng chứa đựng yếu tố tình cảm giữa đôi bên.
Tính đặc thù trong mối quan hệ cung ứng dịch vụ giải trí thể hiện ở việc một thị trường, hay cao hơn, là nền công nghiệp giải trí, như Hollywood dù đi trước chúng ta vài chục năm thì nghệ sĩ vẫn cảm ơn, vẫn nói yêu khán giả, vẫn khóc, cúi đầu, đôi khi cúi gập người hoặc nói "biết ơn". Chỉ là cái "biết ơn" ấy thiên về hình thức giao tiếp thường nhật hơn là nghĩa mà nghệ sĩ gạo cội đang dạy nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.
Sơn Tùng M-TP thở oxygen trong hậu trường live concert của mình. |
Tôi có một số câu hỏi: Khán giả nuôi nghệ sĩ, vì sao chỉ nuôi họ khi trẻ, đẹp, hot; còn khi họ đã già, xấu, qua thời thì không nuôi nữa? Vì sao có những nghệ sĩ rất giỏi, giàu tố chất, tạo ra và đóng góp những giá trị hữu ích thiết thực cho nghề mà vẫn phải bỏ nghề sau mấy năm gắng gượng vì không sống được?... Ở đây, tôi hoàn toàn đang nói "nuôi" theo nghĩa yêu thương, ủng hộ, dõi theo... chứ không phải như cô MC Kỳ Duyên cắt nghĩa đâu nhé!
Nghệ sĩ "nuôi" khán giả phân biệt rõ ràng với từ "nuôi" nghĩa gốc ở tính vô điều kiện. Khán giả yêu thương (nuôi) nghệ sĩ luôn luôn có điều kiện, nên mới phân biệt với cha mẹ nuôi con, con nuôi cha mẹ, người nhận con nuôi, người nuôi thú cưng...
Khán giả, hơn ai hết, có quyền lựa chọn giá trị tinh thần họ thích, cần hoặc phù hợp để thụ hưởng. Hôm nay, họ thần tượng ca sĩ A nên dành thời gian, tình cảm, tiền bạc của mình ủng hộ nhưng nếu ngày mai có ca sĩ B mới nổi trẻ đẹp hơn, hát hay hơn, nhạc "bốc" hơn, họ có quyền chuyển sự thần tượng từ A sang B, dành thời gian, tình cảm, tiền bạc của mình ủng hộ B. Đó là quyền của khán giả. Nhưng trong một mối quan hệ mà đôi bên đều hướng tới một nhóm lợi ích cụ thể và một bên có quyền chọn lựa bên còn lại mà bạn vẫn muốn nhận bạn đang "nuôi" ai đó, có ổn không?
Tựu trung, mọi thứ sẽ đơn giản nếu chúng ta không cố phức tạp hóa vấn đề. Nếu thị trường đã vận hành đúng cách nó vốn có, chúng ta cứ theo vậy, không nên cố đắp lên những "chiếc áo" lấp lánh như hàm ơn, phục vụ, hy sinh, tận hiến,... Điều quan trọng nhất với các nghệ sĩ, cả hai câu "Khán giả nuôi tôi" hay "Khán giả không nuôi tôi" vĩnh viễn chỉ nên để trong suy nghĩ, đừng đưa ra thành lời. Tranh cãi dở hơi nhất của nghệ sĩ là tranh cãi với khán giả.
Độc giả Thành Đỗ (TP.HCM)
'Nhìn vào tiền cát xê thì khán giả đang nuôi nghệ sĩ'
Bạc bẽo vốn là quy luật muôn đời - mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ không là ngoại lệ.
No comments