Hủy kết quả, không công nhận nếu không thu hồi danh hiệu vi phạm
Sáng 9/4, hội nghị phổ biến Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn ra tại TP.HCM. Một số điểm mới đã được giới thiệu và các địa phương cũng trao đổi một số vướng mắc liên quan.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết Nghị định 79 ra đời năm 2012 sau đó có sửa đổi có vai trò nhất định trong việc giúp đỡ, điều chỉnh các hoạt động về biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hoạt động đã phát triển và biến đổi bên cạnh sự thay đổi của xã hội, thành phần tham dự các sự kiện về người đẹp, người mẫu, cho thấy Nghị định cũ cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Từ 2018, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chủ trì để chuẩn bị cho Nghị định mới. Tháng 2/2021, Nghị định 144 được ban hành đi vào đời sống. TP.HCM là địa điểm thứ 3 được phổ biến về Nghị định mới sau Hà Nội và Đà Nẵng.
Từ trái qua: Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục NTBD. |
Ông Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết Nghị định 144 ra đời với mục tiêu trước mắt giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng trong quan hệ nghệ thuật biểu diễn trong đời sống xã hội.
Nghị định 144/2020/NĐ-CP kế thừa và hoàn chỉnh quy định còn phù hợp tại các Nghị định 79/2012/NĐCP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thế chế chính sách đã được Chính phủ thông qua phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Nghị định có một số điểm mới với nội dung cơ bản: Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản ý nhà nước; Phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, Khắc phục vấn đề tác động giới và quy định điều kiện bao quát hơn đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu; Quy định tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn; Quy định quản lý hậu kiểm đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Trong đó, ở nội dung khắc phục vấn đề tác động giới, Nghị định không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.
Thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu đáp ứng điều kiện không vi phạm trật tự công của Nhà nước: "Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự"; "Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Ông Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Quyền Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại hội nghị. |
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về cơ bản không thay đổi phạm vi quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn so với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.
Nghị định mới chỉ có một số điều chỉnh trong biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm: Tập trung quản lý chuyên nghành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và nội dung biểu diễn nghệ thuật; Xác định lại nội hàm khái niệm "biểu diễn nghệ thuật" và "loại hình nghệ thuật biểu diễn"; Quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý; Quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên quan được tổ chức tại Việt Nam; Áp dụng biện pháp hậu kiểm đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; Quy định biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Về quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên quan được tổ chức tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh trong phần trao đổi về chủ trương xây dựng pháp luật và đơn giản hóa thủ tục hành chính: "Trước đây, chúng ta đã có quy định về mặt thu hồi danh hiệu nhưng chưa chặt chẽ, dẫn tới việc các tổ chức có trách nhiệm thu hồi nhưng đã không làm và chúng ta không có chế tài. Còn nay, nếu các tổ chức vi phạm không thu hồi danh hiệu, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định hủy kết quả, không công nhận cuộc thi hay liên hoan đó. Đây là chế tài rất mạnh mẽ, đồng bộ trong Nghị định 38 xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành".
Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng ra văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức thi Hoa hậu Đại dương hủy kết quả cuộc thi, thu hồi danh hiệu với Lê Âu Ngân Anh nhưng BTC cuộc thi không thực hiện. |
Sau khoảng 2 tháng, các địa phương vẫn có một số vướng mắc định triển khai Nghị định mới. Đại diện từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM nêu khái niệm tổ chức nội bộ không bán vé, nhưng có chương trình ở TP.HCM không dùng hình thức của vé nhưng gần giống như vậy - phụ thu - nên chưa có cơ sở để áp dụng. Nói về việc tổ chức thi sắc đẹp, thường không chỉ tổ chức một nơi mà sẽ diễn ra nhiều vòng, nhiều địa điểm, sẽ xảy ra trường hợp một địa phương đồng ý, còn địa phương khác sẽ không đồng ý do đặc thù về văn hóa, hoạt động, sự kiện chính trị...
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phản ánh thắc mắc về hình thức "bar mở" - quán bia mở nhạc có một số cô gái, chàng trai nhún nhảy đứng giữa đường để bán. Hiện tượng này gây lúng túng, khó xử lý vì đây không phải tiết mục biểu diễn, chương trình biểu diễn nghệ thuật, chỉ là phát âm thanh, bản nhạc và có người nhảy. Đại diện này cũng phản ánh hiện này có hình thức tổ chức một cuộc thi nhưng trong nội dung có phần thi người đẹp hoặc người mẫu thì phân định ra sao để cấp phép, chung kết và sơ khảo là các địa điểm khác nhau thì hồ sơ để được cấp phép là đề án tổng thể hay cần có đề án riêng sơ khảo từ địa phương.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Bình Định cho biết địa phương này có 11 đoàn tuồng không chuyên, 11 đoàn nghệ thuật trò chơi dân gian. Trước đây, Sở Văn hóa Thể thao vẫn thẩm định, cấp phép thuận theo Nghị định 79. Từ ngày 1/2/2021, đối với các đoàn trò chơi dân gian, Sở đã hướng dẫn cho các đoàn theo nghị định, chuyển về thông báo cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nhưng các đơn vị này lại không nắm rõ về chuyên môn, nghiệp vụ nên lại hỏi Sở. Sở chưa dám cấp phép, các đoàn nghệ thuật chưa hoạt động được và khó tồn tại trong tình trạng hiện nay.
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, biểu diễn nêu ý kiến về việc thẩm định, cấp phép tổ chức cần có quy trình đơn giản, thuận tiện hơn cho cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết sau khi 3 cuộc phổ biến Nghị định tại các địa phương và nghe ý kiến, sẽ tiến tới tổng kết những điểm còn vướng mắc và sẽ có hướng dẫn chi tiết để Nghị định 144 đi vào đời sống và hiệu quả trong việc trong các điều hành các chương trình biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên cả nước.
H.N
'Cần làm chặt việc xử lý sai phạm khi xin cấp phép biểu diễn'
Ngày 25/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ - CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
No comments