Tác giả Uyên Bùi: 'Lười đọc là lỗi lớn trong quá trình học làm cha mẹ'
"Tôi nghĩ sách dành cho các bậc cha mẹ không thiếu, chỉ là ở một mức độ nào đó, phải thành thật thừa nhận rằng, phần lớn chúng ta - những bậc ba mẹ lười đọc", tác giả Uyên Bùi chia sẻ.
Cùng với bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, tác giả Uyên Bùi đã viết nên một trong những cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam - “Để con được ốm” (2016) - với 100.000 bản đã bán và ấn phẩm tái bản hiện vẫn đang đứng ở vị trí cao trên các website bán sách.
Trước khi ra mắt tác phẩm gây chú ý “Để con được ốm”, chị có phải là một “mọt sách”?
- Tôi không hẳn là một “mọt sách”, tôi đọc sách theo “đợt”, có những quãng thời gian đọc rất “vào”, có thể "ngốn" sách rất nhiều, rất nhanh và nhớ rất lâu trong khoảng chừng 2 tháng. Sau đó, tôi lại nghỉ không đọc sách, thậm chí, cố đọc cũng không "vào".
Thường tôi đọc một cuốn sách 300-400 trang trong khoảng một đến hai ngày nên số lượng đọc được cũng tương đối. Trong một năm trở lại đây, tôi cũng tập thói quen đọc 30 trang sách mỗi ngày vào những dịp quá bận, để giữ cho não luôn tư duy sáng tạo.
Uyên Bùi đang tập thói quen đọc 30 trang sách mỗi ngày. |
Việc đọc có giúp ích cho công việc của chị?
- Trước đây, tôi làm phóng viên, sau đó chuyển qua làm copywriter, giờ là tác giả và cũng có kịch bản phim đã được làm và phát sóng rồi.
Việc đọc giúp ích rất nhiều cho công việc. Khi đọc nhiều, tôi học được cách sử dụng ngôn ngữ, cách hành văn, cách tiếp cận những vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau với các thái độ khác nhau. Đọc cũng giúp cho phát triển khả năng tư duy logic, đa chiều và phản biện, giúp cho việc sử dụng ngôn ngữ trôi chảy và suôn mượt hơn.
Chị có yêu thích hoặc đánh giá cao tác phẩm nào trên thị trường không?
- Gần đây nhất tôi thấy cuốn “Tôi tư duy, vậy thì tôi vẽ” của Thomas Cathcart và Daniel Klein khá thú vị. Cách tiếp cận chủ đề triết học vốn nghe rất… đau đầu và xa rời với đa số bạn đọc đã được hai tác giả khai thác dưới góc độ biếm hoạ hài hước. Có thể nói, đấy chính là cách thức “đỉnh cao” để tiếp cận người đọc mà một người viết như tôi mong muốn đạt được.
Những cuốn sách đã mang lại điểm cộng gì trong cuộc sống của chị, và liệu chúng có mang lại điểm trừ nào?
- Tôi biết đọc rất sớm, từ khi mới ba tuổi rưỡi. Mọi chuyện đến rất tự nhiên, tôi nhìn cha mẹ dạy chị gái (khi đó vào lớp một) và học theo. Và tôi đã đọc tất cả những gì có chữ khi đó.
Tôi luôn có xu hướng bị thu hút bởi những cuốn sách có câu chuyện được hệ thống rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ trôi chảy, hài hoà và câu chuyện hợp lý (cho dù là sách hư cấu). Đối với việc đọc, tôi chỉ luôn cộng vào chứ chưa từng nghĩ đến việc trừ đi phần nào cả. Cũng có thể do tôi đã tự mình tạo bộ lọc chọn lọc để không cảm thấy mình phí hoài thời gian (điểm trừ) cho những cuốn sách dở.
Cô bị thu hút bởi những cuốn sách có câu chuyện được hệ thống rõ ràng |
Chị có từng gặp khó khăn trong cuộc sống? Ở thời điểm khó khăn nhất, điều gì đã giúp chị nhiều nhất?
- Ôi, tôi gặp nhiều chứ. Với một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bình thường ở một miền quê nghèo, việc phải tự lập từ sớm là chuyện đương nhiên và hầu như phải tự thân một mình đối mặt và xử lý mọi vấn đề xảy ra.
Ở thời điểm khó khăn, tôi thường thu vào thế giới riêng của mình, thế giới của sách và của phim ảnh. Sự bạo tàn hay khốc liệt trong thế giới đó dẫu có nặng nề đến đâu đều rất nhân văn và vị tha - khác hẳn với thế giới thực tàn nhẫn và ít nhiều độc ác của chúng ta.
Thế giới tinh thần mà không có bất cứ thế lực nào bên ngoài có thể ảnh hưởng đến được. Ở đó cho đến khi cảm thấy mình có đủ sức lực để đương đầu, để đi tiếp thì lại bước ra và đối mặt với khó khăn thôi.
Tôi nhớ trong lời thoại của bộ phim “Abe” (2020), người bà của cậu bé Abe nói với mẹ cậu bé rằng không có sách hướng dẫn làm cha mẹ, khiến cho việc làm cha mẹ rất khó khăn (There is no guide book to be a parent). Chị nghĩ sao về điều này? Chúng ta có thiếu sách dành cho các bậc cha mẹ hay không?
- Trong lời mở đầu viết cho cuốn “Để con được ốm”, tôi đã viết câu kết như thế này: “Có ai đó đã nói: “Being a toddler is difficult, being a parent is worse” (Làm “mẹ siêu nhân” quả là không dễ dàng chút nào).
Mà bạn thấy đấy, mọi bà mẹ trên đời này đều là siêu nhân cả nhưng quả nhiên là không chỉ không có sách mà không có trường học nào dạy cho bạn làm cha mẹ cho đến khi bạn trở thành cha mẹ nên đó là một hành trình dài phải học. Đã học hẳn nhiên sẽ có đúng, sai, giỏi, dở… nhưng điều quan trọng là bạn biết đâu mới là điều thực sự tốt nhất dành cho con.
Tôi nghĩ sách dành cho các bậc cha mẹ không thiếu, chỉ là ở một mức độ nào đó, phải thành thật thừa nhận rằng, phần lớn chúng ta - những bậc ba mẹ lười đọc. Chúng ta vẫn bị cái tâm lý tiện lợi, dễ dàng nên sách cũng chỉ thích những cuốn theo dạng "công thức áp dụng sẵn" thay vì "tư duy để áp dụng". Đấy cũng là một lỗi lớn trong quá trình học làm cha mẹ.
Uyên Bùi lấy Tôi tự học và Yêu thương và Tự Do làm kim chỉ nam. |
Một số cuốn sách tiêu biểu chị muốn giới thiệu tới độc giả?
- Bạn nên đọc cuốn Tôi tự học của bác Thu Giang - Nguyễn Duy Cần. Bộ sách của bác Cần, tất cả các cuốn bác viết đều mang tính thời đại. Yêu thương và Tự do của cô Tôn Thuỵ Tuyết. Kitchen của Yoshimoto Banana - để học về thái độ tiếp nhận cuộc sống tích cực và cách để vượt qua nỗi đau của cái chết và mất mát. Bộ sách luận đàm về triết học của Alain de Botton.
Các cuốn tiểu thuyết của tác giả Philip Roth như Người phàm, Vết nhơ của người… Những cuốn sách ngắn của Haruki Murakami như Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - một thái độ làm việc viết lách chuyên nghiệp và đầy cảm hứng... Ôi, để mà kể hết chắc đến mấy ngày mất. (cười).
Kim Sam
Cuốn sách thú vị về hoài niệm mứt Tết
'Hoài niệm mứt Tết' – cuốn sách giới thiệu đến quý độc giả cách thực hiện những món mứt truyền thống cho ngày Tết của gia đình Việt Nam.
No comments