Đặng Thái Sơn: 'Cuộc đời có nhiều lựa chọn, tôi chỉ chọn làm con ngoan của bố' - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đặng Thái Sơn: 'Cuộc đời có nhiều lựa chọn, tôi chỉ chọn làm con ngoan của bố'

Với NSND Đặng Thái Sơn, dù cuộc đời có nhiều lựa chọn, nhiều danh xưng, ông chỉ giản dị "chọn làm con ngoan của bố". 

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, hoạ sĩ Đặng Đình Hưng (1924 - 1990), nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành cuốn sách Đặng Đình Hưng - Một bến lạ. Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận thơ và ký ức về tác giả trong mắt các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý và Nguyễn Thụy Kha. 

NSND Đặng Thái Sơn từ Canada về Việt Nam để được có mặt trong buổi ra mắt tác phẩm của cha mình.

NSND Đặng Thái Sơn: 'Tôi chọn làm con ngoan của bố'
NSND Đặng Thái Sơn tại buổi ra mắt sách.

Tại buổi giới thiệu cuốn sách, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ: "Cái nghiệp của bố tôi là thơ ca nhưng những năm cuối đời bố thích vẽ. Những bức tranh là lạ, tối giản với những biểu tượng bí ẩn như những nốt nhạc đô rê mi. Tròn 30 năm bố tôi ra đi, đây là lần đầu tiên một cuốn tuyển tập thơ họa đầy đủ của ông ra đời, khiến tôi có cảm tưởng như ông được tái sinh".

Ngoài chia sẻ về cuốn sách, ông chia sẻ thêm về tuổi thơ của mình gắn bó với ba má và cây đàn. Ông tâm sự, khi chưa lọt lòng thì bố đã đặt tên ông là Đặng Thái Sơn. Lớn hơn một chút ông nghĩ rằng cái tên của mình gắn với câu "Công cha như núi Thái Sơn". Nhưng với bố, câu này còn thêm một ý nghĩa khác, không chỉ là hình ảnh núi Thái Sơn mà còn là sự bình đẳng rất tân tiến của người chồng khi đưa họ Thái của người vợ vào bên cạnh họ Đặng.

Trong ký ức của NSND Đặng Thái Sơn, bố là người cha tận tụy, gây ảnh hưởng nhiều đến lối sống, tư duy của con cái. "Tôi là con út trong một gia đình con anh, con tôi, con chúng ta. Các anh chị tôi đều được học đàn trong căn nhà thuê nhỏ hẹp trên phố Tống Duy Tân. Đến lượt tôi bố má bảo thôi không cho học đàn nữa vì nhà ầm ĩ quá rồi. Nhưng thấy cậu con út thường lân la khám phá cây đàn, bố má tôi đã thử xem con mình có lỗ tai chơi đàn không. Lỗ tai nhé chứ không phải tay, nhiều người cứ nghĩ có bàn tay đẹp là chơi đàn hay, thật ra không phải. Bàn tay người chơi đàn giống bàn tay người nông dân hơn. Sau phép thử ấy, tôi thấy bố má thì thầm bàn bạc về mình, rồi bố kẻ dòng nhạc cho tôi học", NSND Đặng Thái Sơn kể lại.

NSND Đặng Thái Sơn: 'Tôi chọn làm con ngoan của bố'
NSND Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trình diễn bản nhạc do ông Phúc viết từ cảm hứng của ông với thơ Đặng Đình Hưng.

Trong căn nhà tuổi thơ của Đặng Thái Sơn còn có những cuộc đọc thơ văn thăng hoa của bố và nhóm bạn trong căn phòng làm việc chỉ 4 mét vuông. Vì phòng quá nhỏ nên những lúc ấy Đặng Thái Sơn thường đứng ngoài ngóng vào bởi rất muốn xem bên trong đó có gì mà khiến các bác hăng say đến thế. 

"Bố tôi hợp với các nhạc sĩ, có lẽ vì cái tôi nghệ sĩ của họ không động chạm đến nhau. Ấy vậy mà thỉnh thoảng mấy tuần không thấy nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Cầm tới chơi là y như rằng họ đang giận nhau vì văn thơ", NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.

Tuy không có nhiều thời gian sống cùng với bố nhưng ĐặngThái Sơn cho biết con người, cách sống và nghệ thuật của ông đều chịu ảnh hưởng từ bố. Ông rất nghe lời bố, hầu hết các bài học của bố từ cách sống, tư duy nghệ thuật đến tư thế ngồi đàn, ông đều răm rắp nghe theo.

"Bắt đầu tới tuổi biết biết một chút, giờ gọi là tuổi teen, bố tôi đã dạy cách đi, cách đứng. Ông nói: Con trai đi đứng phải đàng hoàng. Không được gù lưng. Con phải sống một cuộc đời chân thật và kiêu hãnh. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy đó. Chính sự kiêu hãnh thừa hưởng từ bố giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin", ông chia sẻ.

NSND Đặng Thái Sơn thừa nhận, bố và má (NSND Thái Thị Liên) rất khác nhau về tư tưởng và lối sống. Vậy mà không hiểu sao họ có thể nên duyên vợ chồng. Sau này khi chia tay, cả hai đều suy sụp. Nhà thơ Đặng Đình Hưng mất đi hậu phương vững chắc, nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên mất đi một người bạn đời cùng song hành và tham mưu về mọi vấn đề trong cuộc sống. Cuộc đời nhà thơ rơi vào vực thẳm đen tối khi ông phát hiện khối u trong phổi nhưng hoàn cảnh éo le và kinh tế khó khăn khiến ông không có điều kiện để chữa bệnh.

"Cuộc ly hôn đã dẫn đến sự suy sụp của cả hai. Bố cần hậu phương vững chắc, nên sau cuộc ly hôn cụ suy sụp đến mức gần như biến thành một người vô gia cư, ốm đau bệnh tật. Còn má tôi cần cái đầu của bố để tham mưu cho má mọi ứng xử trong cuộc sống vì kỹ thuật giao tiếp, ứng xử xã hội của má tôi là zero", NSND Đặng Thái Sơn tâm sự.

Năm 1980, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin ở Ba Lan, giải thưởng mang lại vinh quang cho bản thân nghệ sĩ và giúp ông chăm lo cho bố những năm tháng cuối đời. Giải Chopin của ông đã cứu cả gia đình. Nhà thơ Đặng Đình Hưng được hai bác sĩ hàng đầu là Hoàng Đình Cầu và Tôn Thất Tùng phẫu thuật cắt khối u. Nhà nước cũng cấp cho nhà thơ Đặng Đình Hưng một căn hộ tập thể ở Giảng Võ, nhờ thế mà ông được sống 10 năm cuối đời tương đối thoải mái.

Với NSND Đặng Thái Sơn, dù cuộc đời có nhiều lựa chọn, nhiều danh xưng, ông chỉ giản dị "chọn làm con ngoan của bố". 

NSND Đặng Thái Sơn: 'Tôi chọn làm con ngoan của bố'

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nhận xét Đặng Đình Hưng là trường hợp rất đặc biệt của thơ ca Việt Nam. Tự ông đã hình thành một giọng thơ, một hệ thống từ vựng và chính tả riêng của mình.

"Đọc ông, người ta có thể thốt lên "đây mà là thơ à" nhưng thật ra chính những con chữ rời rạc đã tự vang lên tiếng thơ. Ông để ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian, thời gian, hòa tấu cả trí tuệ, tình cảm trực giác, tiềm thức, bản năng. Thực ra, Đặng Đình Hưng rất có ý thức phối hợp sự buột miệng tình cờ với lao động kỹ lưỡng trên từng con chữ, từng cách ngắt câu xuống dòng để tạo hiệu quả tổng thể cho bài thơ", nhà thơ Hoàng Hưng bình luận.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nhận định: "Viết là tạo ra đời sống. Khám phá viết cũng là khám phá đời sống, một thứ đời sống của đời sống. Đến đây, Đặng Đình Hưng đã đạt đến viết về viết. Ở cấp độ này, Ô mai là một tác phẩm thơ độc nhất vô nhị".

"Đặng Đình Hưng đã nắm lấy di sản tiếng Việt, chơi và tháo dỡ, lắp ráp hoặc thay thế, tham dự và tái tạo, nghe - nhìn - nếm - ngửi những chữ", TS Nguyễn Thị Thuý Hạnh nhận xét. 


Tình Lê

Sách quý về Tết Việt Nam xưa

Sách quý về Tết Việt Nam xưa

Qua những bài viết đặc sắc trên Tạp chí Đông Dương, cuốn sách đã đưa độc giả bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm tâm hồn Việt Nam.

No comments