Người xưa trọng lễ nghĩa, đặt tên hiệu cũng rất cầu kỳ - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Người xưa trọng lễ nghĩa, đặt tên hiệu cũng rất cầu kỳ

Sách 'Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam' giải thích ngọn nguồn cách đặt tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, đồng thời chỉ ra mối quan hệ, ý nghĩa và cách sử dụng chúng.

Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam đoạt giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3 của tác giả, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh xuất bản tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội là sách công cụ, có giá trị không chỉ trong nghiên cứu mà còn hữu ích trong giảng dạy, học tập.

Cuốn sách đưa ra 1173 tên tự, tên hiệu, đạo hiệu và biệt hiệu khác nhau của 791 tác giả Hán Nôm, được trích xuất từ các thư tịch, văn khắc hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm. Bên cạnh đó là hệ thống bảng tra cứu cần thiết cho các nhà nghiên cứu.

Đặc biệt, cuốn sách còn đưa ra phần giải thích ngọn nguồn cách đặt tên tự, tên hiệu và chỉ ra mối quan hệ giữa chúng cũng như ý nghĩa của việc đặt tên, hiệu, tự và cách sử dụng danh, hiệu, tự trong giao tiếp, trong trước thuật (viết sách nói chung). 

Giải B Sách Quốc gia: Người xưa trọng lễ nghĩa, đặt tên hiệu cũng cầu kỳ

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, các thời kỳ phong kiến, nhà nho, nhà thơ, nhà văn, hàng ngũ quan lại, ngoài tên chính thức, còn đặt tên tự, tên hiệu.

Tên (danh) là tên riêng do ông bà cha mẹ đặt cho. Việc đặt tên cũng có những phép tắc nhất định. Tự (tên chữ) thường giải thích và bổ sung cho danh. Giữa danh và tự có mối liên hệ chặt chẽ về ý nghĩa, biểu thị cho sự hô ứng (kẻ gọi người đáp) và bổ sung cho danh nên còn được gọi là biểu tự.

Tên tự được đặt khi đã thành niên và thường do cha mẹ hoặc bề trên đặt cho, cũng có khi do chính bản thân đặt. Việc đặt tên tự chứng tỏ người đó bắt đầu được xã hội công nhận và tôn trọng. Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ danh để chọn từ ngữ liên quan và trợ giúp cho danh.

Ví như Ngô Tuấn (1019-1105) người Thăng Long, tên tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính họ Lý nên được gọi là Lý Thường Kiệt. Danh và tự của ông hoàn toàn hỗ trợ cho nhau ("tuấn" là tài hoa hơn người còn "kiệt" là tài năng xuất chúng).

Danh và tự của người xưa còn được dùng để chỉ quan hệ thứ bậc, biểu thị anh em trong gia đình và thường thêm chữ "bá" (mạnh) là lớn, "trọng" là thứ hai, "thúc" là em, "quý" là út…

Giải B Sách Quốc gia: Người xưa trọng lễ nghĩa, đặt tên hiệu cũng cầu kỳ
Tác phẩm “Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (áo trắng, giữa) xuất bản tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2020.

Còn tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi khi người ta đã thực sự trưởng thành. Các sĩ phu và văn nhân thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình như Chu Văn An lấy hiệu là Khang Tiết Tiên Sinh… Tên hiệu do người sử dụng thường đặt không bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình.

Thông qua việc đặt tên hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống. Việc đặt tên hiệu, biệt hiệu đôi khi còn mang cả dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình.

Ví dụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương lấy hiệu là Bạch Vân Am và Tuyết Giang Phu tử để nói lên ý nguyện và tình yêu quê hương xứ sở.

Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu quan niệm sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người đó trong từng thời kỳ khác nhau.

Theo tác giả Trịnh Khắc Mạnh, danh, tự và hiệu, hay biệt hiệu đều là tên người nhưng khi sử dụng không thể tùy tiện mà phải tuân theo nguyên tắc nhất định. Do người xưa trọng lễ nghĩa nên cách dùng danh, tự và hiệu cũng rất cầu kỳ.

Trong giao tiếp, danh thường được dùng trong trường hợp khiêm xưng (khi xưng thì khiêm nhường), hoặc trên gọi dưới, còn những người ngang hàng chỉ gọi danh khi thật thân mật. Trường hợp không phép mà gọi thẳng danh của người đang nói chuyện là bất lễ, danh của cha mẹ mà nhắc tới là bất kính, còn danh của vua chúa mà nhắc tới là đại nghịch.

Tình Lê

Giải B Sách Quốc gia: Khí chất người Nam Bộ trong 'Sài Gòn của em'

Giải B Sách Quốc gia: Khí chất người Nam Bộ trong 'Sài Gòn của em'

Bức tranh Sài Gòn hiện ra từ những ngõ hẻm, góc phố, sinh hoạt, con người; qua góc nhìn trìu mến, dí dỏm và được chuyển tải sinh động, gần gũi.

No comments