Làm gì để người trẻ hứng thú với sách?
Thói quen đọc sách cần được xây dựng ngay từ trong gia đình (giáo dục sớm), cần được quy định cụ thể trong hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học.
Người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách sớm
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ nhận định người trẻ Việt Nam hiện nay ít đọc sách, chưa có hứng thú với sách, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chung là người Việt chưa có thói quen đọc sách.
"Cá nhân tôi cho rằng, để làm cho người trẻ hứng thú với sách, cần tác động vào nhu cầu tự thân của người trẻ: đọc sách để phát triển bản thân, đọc sách để trở thành người có tri thức; biết cách ứng dụng tri thức vào thực tiễn cuộc sống để làm chủ cuộc sống; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng; khát vọng xây dựng đất nước phát triển, văn minh.
Theo tôi hiểu, “hứng thú” với sách nghĩa là thích sách. Người trẻ là những người đã trưởng thành, sẽ có “hứng thú” với sách theo “gu” riêng của cá nhân. Vì vậy cần xuất bản phong phú các loại sách để người trẻ chủ động lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu cá nhân: định vị bản thân, lập thân, lập nghiệp, kiến quốc… Người trẻ cần được tiếp cận với sách từ nhiều kênh: nhà trường, bạn bè, gia đình, cộng đồng. Cơ hội tiếp cận với sách càng nhiều, càng tăng cơ hội hiểu các giá trị của sách, từ đó có hứng thú với sách", bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ.
Để làm cho người trẻ hứng thú với sách, cần tác động vào nhu cầu tự thân của người trẻ (Ảnh: Thư viện Cánh diều). |
Ở góc độ vĩ mô, Giám đốc NXB Phụ nữ cho rằng nhà nước ban hành chiến lược sách quốc gia bao gồm: Giới thiệu các cuốn sách tri thức nền tảng giúp người trẻ tự trang bị tri thức nền, làm chủ tri thức, tự tin ra với thế giới. Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược sách giáo dục gia đình, giáo dục việc đọc sách bắt buộc trong trường học, từ đó xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ để khi trưởng thành, họ là những người trẻ có thói quen đọc sách, có hứng thú với sách. Có thể xây dựng thanh niên là lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh phong trào đọc sách trong toàn dân. Muốn vậy, thanh niên, người trẻ sẽ phải tự đọc sách, trang bị các kiến thức từ sách để có thể trở thành người hướng dẫn đọc sách.
Thêm vào đó, người đứng đầu NXB Phụ nữ còn hiến kế phát động phong trào đọc và ứng dụng tri thức từ sách vào cuộc sống: sản xuất, kinh doanh, giáo dục,… Xây dựng các hình ảnh giáo dục truyền cảm hứng về việc đọc sách: lãnh đạo đọc sách, thầy cô đọc sách, bố mẹ đọc sách, những người thành công,… đọc sách, từ đó truyền cảm hứng cho người trẻ đọc sách, trẻ em đọc sách, gia đình đọc sách, nhà trường đọc sách, cộng đồng đọc sách, quốc gia đọc sách…
Sách phải được hiện diện ở bất cứ đâu
Trong khi đó, bằng kinh nghiệm tham gia chương trình Sách hóa nông thôn cùng nhiều chương trình khác, "cửu vạn sách" Đỗ Tiến Thành cho rằng vận động các gia đình trẻ xây dựng tủ sách gia đình, cha mẹ đọc sách cùng con mỗi ngày, để cho trẻ em từ nhỏ đã được tiếp xúc, nghe, đọc sách là việc đầu tiên nên làm.
Sau đó sẽ tới việc vận động các trường mầm non, các trường phổ thông làm tủ sách lớp học theo hình thức xã hội hóa, vận động đưa giờ đọc sách vào trường học ngay từ lứa tuổi mầm non. Bên cạnh đó, các chương trình mừng tuổi sách trong các dịp lễ, tết đem đến cho con trẻ những món quà ý nghĩa là những cuốn sách, tạo niềm vui thực sự cho các em với sách ngay từ nhỏ.
Thói quen đọc sách cần được xây dựng ngay từ trong gia đình (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam). |
"Để có những người trẻ đọc sách, chúng ta không có cách nào khác là nuôi dưỡng những mầm đọc từ lúc còn nhỏ với vai trò không thể thiếu của cha mẹ, thầy cô. Khi đã có được hạt nhân là các mầm đọc, đất nước cần phát triển hệ thống thư viện ở khắp mọi nơi để sách được hiện diện ở bất cứ đâu. Đó là môi trường giúp nuôi dưỡng văn hóa đọc và tạo ra niềm yêu thích đọc sách", anh Đỗ Tiến Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Phan Lê Hải Linh – sáng lập Thư viện Cánh Diều cho rằng khi đã trưởng thành, 18-20 tuổi là lúc mà rất nhiều thói quen đã được định hình và rất khó thay đổi. Việc hình thành thói quen đọc sách, văn hoá đọc cho một cá nhân nên bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, từ bậc mầm non.
"Đó chính là lý do vì sao tôi thành lập thư viện Cánh Diều và nhóm đọc tại cộng đồng, hướng tới trẻ em từ 3-11 tuổi. Vì từng có quãng thời gian làm việc tại Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, được tiếp xúc với nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục nên tôi biết rằng từ 0-11 tuổi là giai đoạn hình thành thói quen, định hình một con người.
Bởi vậy, từ tháng 8/2017, tôi bắt đầu thành lập nhóm đọc sách tại cộng đồng và tổ chức các buổi đọc sách miễn phí cho trẻ mầm non tại chính quán cafe của mình. Các buổi đọc sách được tổ chức vào sáng Chủ nhật hàng tuần, dần dần thu hút được sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Tôi chính là người trực tiếp tổ chức hoạt động và đọc sách cho các bạn nhỏ nghe. Sau này, quán cafe của tôi trở thành điểm đọc quen thuộc của nhiều bạn nhỏ quanh khu vực đó nên bạn bè động viên tôi phát triển nó thành một dự án thư viện. Tôi đặt tên cho dự án nhỏ của mình là Cánh diều", chị Hải Linh chia sẻ.
Chị Hải Linh mong muốn nếu hình thành được thói quen đọc sách từ nhỏ (mầm non), các em sẽ được phát triển rất tốt về ngôn ngữ, năng lực cảm xúc. Lớn lên, các em sẽ có năng lực tự học rất cao. "Tôi cho rằng năng lực tự học là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà công nghệ khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi con người phải liên tục trau dồi để thích nghi", người đứng đầu thư viện Cánh diều nói.
Tình Lê
Văn hoá đọc trước sự xâm lấn của facebook, youtube
Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn.
No comments