Xuất bản phẩm điện tử đang ở đâu trong ngành xuất bản?
Thủ tục hành chính; Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Xuất bản điện tử... được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo Đánh giá 7 năm thực hiện Luật xuất bản 2012.
Ngày 9/6, hội thảo đánh giá 7 năm thực hiện luật Xuất bản diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên, phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Bảo cùng đại diện các Sở TT&TT, NXB và doanh nghiệp ngành xuất bản khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các NXB phải chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cơ quan chủ quản. Sắp tới, các NXB đưa ra vướng mắc thực tiễn trong hoạt động xuất bản, in và phát hành để Bộ TT&TT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định luật hiện hành. Bên cạnh Luật Xuất bản, chính phủ cũng sẽ ban hành các văn bản dưới luật để hoàn thiện các chế định pháp luật xuất bản, in và phát hành (sau đây gọi chung là xuất bản).
7 năm thực hiện Luật Xuất bản, hoạt động xuất bản thực tế đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung, giữ vị trí quan trọng và ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật về xuất bản đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua. Tuy nhiên, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện pháp luật xuất bản bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo. |
Dựa vào danh mục không phát hiện vi phạm của xuất bản phẩm nhập khẩu
Đại diện Sở TT&TT các tỉnh, thành đều chỉ ra những vướng mắc về thủ tục hành chính phát sinh trong thực tiễn. Các thủ tục được phản ánh còn bất cập như: Thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; Phí cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; Điều kiện nhận chế bản, in và gia công...
Đáng lưu ý, quy định tại Điều 41 về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh được đặc biệt quan tâm.
Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, quy định “phát hiện xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam” có phạm vi rộng so với hành vi và nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản quy định tại Điều 10 luật này.
Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đồng tình rằng, khoản 5 Điều 41 luật này quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu những xuất bản phẩm không kinh doanh trên cơ sở hồ sơ của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm đơn đề nghị và danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào danh mục hầu như không thể phát hiện hay nhận biết được dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đại diện Sở đề nghị nghiên cứu quy định tất cả xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu đều được thẩm định nội dung.
Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội đồng thẩm định để xem xét quyết định cấp phép cũng gặp khó khăn. Sở TT&TT TP.HCM cho rằng các quy định thành lập Hội đồng thẩm định, biểu mẫu, quy trình, tiêu chuẩn của chuyên gia có đủ trình độ để thẩm định, mức chi phí thẩm định… chưa được hướng dẫn cụ thể. Đội ngũ công chức Phòng Xuất bản tương đối mỏng so với khối lượng công việc và yêu cầu công tác.
Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai kiến nghị rút ngắn thời gian thẩm định (thành lập hội đồng thẩm định mất 15 ngày, thời gian thẩm định 9 ngày đối với từng xuất bản phẩm); quy định mức chi phí thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu cũng như chủ thể chịu trách nhiệm chi trả phí thẩm định.
Trương Ngọc Ánh tiết lộ, cô nghe audio book (sách nói) hầu như mỗi tối thành thói quen. |
Xuất bản phẩm điện tử là tương lai của ngành xuất bản
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hoạt động xuất bản và phát hành có dấu hiệu chuyển dần từ truyền thống sang hoạt động trực tuyến trên môi trường mạng. Tại hội thảo, vấn đề xuất bản, phát hành điện tử và xuất bản phẩm điện tử được đưa ra tham luận sôi nổi.
Hội In TP.HCM kiến nghị Bộ TT&TT hướng dẫn chi tiết và phân định rõ hoạt động xuất bản, phát hành trên môi trường mạng Internet và hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
NXB Tổng hợp TP.HCM cho rằng cần quy định cụ thể hơn về khái niệm và cách thức hoạt động của xuất bản phẩm điện tử. Đặc biệt cần nghiên cứu chủ trương xây dựng một nền tảng kỹ thuật chung cho việc phát hành xuất bản phẩm điện tử, tạo điều kiện cho các đơn vị cùng tham gia vào thị trường xuất bản phẩm điện tử.
Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 16/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu xuất bản phẩm điện tử chiếm 20 - 30% xuất bản phẩm. Số liệu 2019, sách điện tử chỉ đạt 2.400 cuốn trong khi sách giấy đạt 33.000 cuốn, tức là thấp hơn rất nhiều với mục tiêu đề ra.
Đại diện Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) đồng tình rằng cần xác định rõ ràng “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử” để không gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. Chẳng hạn, nếu các cá nhân, tổ chức muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội thì quản lý, cấp phép như thế nào?
“Xuất bản phẩm điện tử là tương lai của ngành xuất bản, thể hiện qua xu hướng số hóa và lợi ích của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng. Sản phẩm của xuất bản điện tử không chỉ giới hạn ở eBook, audio book mà đã mở rộng ra các hình thái như eLearning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm như sách in có tích hợp video và audio.
Do vậy, việc điều chỉnh quy định liên quan xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thiết để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình này phát triển”, đại diện của FAHASA nói.
Ngành Xuất bản cần được tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng. |
Trong khi đó, đại diện công ty TNHH Bán lẻ Phương Nam đặt vấn đề trên Internet còn nhiều trang mạng phát hành eBook lậu hoặc vi phạm quy định pháp luật hiện hành; việc tìm kiếm và ngăn chặn là rất khó khăn. Theo ông, một bộ phận người Việt Nam còn tâm lý mặc định sản phẩm trên mạng Internet là miễn phí, vô hình trung tiếp tay cho việc phát hành eBook lậu.
Vị này nói thêm, eBook hiện là một tiệp kỹ thuật số cũ kỹ so với công nghệ hiện đại nên định hướng phát triển eBook trong tương lai nên tránh xa quan niệm “eBook chỉ là một bản sao ở dạng điện tử của sách giấy”. Cụ thể, eBook nên trở thành ứng dụng hơn là một cuốn sách cụ thể mà ở đó có sử dụng màu sắc, chuyển động, tính tương tác và khả năng kết nối. Khi ấy, eBook nên cho phép chạy quảng cáo (nội dung phù hợp) trên ấn bản để kích cầu, hỗ trợ phát hành eBook giá thành thấp. “Nếu các ứng dụng di động, một bộ phim, bài nhạc phát online đều có chèn quảng cáo thì tại sao eBook lại không”, ông nói.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, đánh giá cao những tham luận, ý kiến của các đơn vị xuất bản, in ấn, phát hành. Ông cho biết Cục sẽ tiếp thu, ghi nhận để trình lên cơ quan cấp trên.
Về những vấn đề thuộc phạm vi của mình, Cục Xuất bản sẽ nghiêm túc tiếp thu và điều chỉnh, đặc biệt về mặt thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và cấp phép đăng ký xuất bản.
Cẩm Lan
Đề xuất quản lý chặt xuất bản phẩm nhập khẩu, rút ngắn thời gian cấp phép
Quản lý chặt xuất bản phẩm nhập khẩu, rút ngắn thời gian cấp phép xuất bản, quản lý quy định cụ thể về phát hành sách online,... là những kiến nghị của đại biểu sau 7 năm thực hiện Luật Xuất bản.
No comments