Thu được hơn 133 tỷ tiền quyền tác giả âm nhạc trong năm 2019
Theo báo cáo của VCPMC trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả đã thu là trên 133 tỷ đồng.
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020.
Theo báo cáo của VCPMC trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả đã thu là trên 133 tỷ đồng. VCMPC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả liên quan hơn 68 tỷ đồng.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hiện nay, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers) với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thỏa thuận này đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc).
Năm 2020, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại, công tác bản quyền ở lĩnh vực quốc tế, từng bước nâng cao, khẳng định vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến thực thi bảo hộ pháp luật bản quyền tác giả, quyền liên quan. |
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, đến thời điểm này tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại Trung tâm đến nay là 4.259 tác giả. Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, phổ biến lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số, cảnh báo và báo cáo gỡ các các đường link vi phạm. Hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích của tác giả trong trường hợp tác giả có nhu cầu chuyển giao tác phẩm/quyền tác giả…
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyễn Hùng đánh giá cao các nỗ lực mà VCPMC đã đạt được trong năm qua. Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng là số thành viên tham gia VCPMC ngày càng tăng cả ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sang năm 2020, trên cơ sở phương hướng mà VCPMC đã đề ra, Cục Bản quyền tác giả mong muốn Trung tâm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế, nhằm tạo cơ sở cho việc bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của các hội viên; tạo niềm tin để ngày càng nhiều tác giả, chủ sở hữu tác phẩm tin tưởng ủy thác.
Tại hội nghị, nhạc sĩ Lê Chí Hiếu nêu thực trạng nhiều nhãn hàng hiện nay sử dụng những ca khúc đã đi vào tiềm thức của rất nhiều người nhưng lại chế sang một ca từ hoàn toàn khác, làm giảm đi giá trị của tác phẩm. Thêm vào đó, nhạc sĩ Lê Chí Hiếu cho rằng, thực trạng này còn cho thấy các nhạc sĩ, nhất là những ca khúc của nhạc sĩ đã qua đời bị xúc phạm, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. "Liệu có thu tiền tác sử dụng quyền tác giả ở đây không. Một phút quảng cáo trên truyền hình là vài trăm triệu tới cả tỷ đồng. Ca sĩ hát bài nhạc chế như vậy cũng nhận cát - xê cả trăm triệu mà không biết có thu được đồng nào quyền tác giả âm nhạc không?", nhạc sĩ Lê Chí Hiếu đặt câu hỏi.
Theo ông Đinh Trung Cẩn, VCPMC thu được hơn 133 tỷ tiền quyền tác giả âm nhạc trong năm 2019. |
Trả lời vấn đề này, ông Đinh Trung Cẩn thẳng thắn nói rằng, các nhạc sĩ yên tâm vì những đơn vị đó đều làm theo luật. "Tất cả các đơn vị đó, khi muốn chế lời các ca khúc của nhạc sĩ đều phải được sự đồng ý của nhạc sĩ và gia đình nhạc sĩ (nếu nhạc sĩ đã qua đời). Và tiền sử dụng tác quyền âm nhạc rất cao. Họ có hợp đồng đoàng hoàng, ví dụ chỉ sử dụng bài nhạc chế đó trong vòng 3 tháng để quảng cáo sản phẩm. Hết thời hạn, nếu đơn vị đó muốn sử dụng phải ký tiếp", ông Cẩn cho biết.
Ông Cẩn cũng thông tin thêm, các nhạc sĩ cũng nên thông cảm vì các đơn vị kinh doanh họ phải có "chiêu thức" quảng cáo sản phẩm của mình. Những bài hát ghi dấu ấn với người nghe họ mới sử dụng, chứ ca khúc mới tinh hoặc đặt bài hát riêng cho sản phẩm - là ca khúc mới sẽ khó cho sự tiếp cận khách hàng của họ. Chính vì thế các ca khúc bất hủ của các nhạc sĩ lão thành hay bị sử dụng là vì thế.
Ông Cẩn cũng cho biết, năm 2020 này, VCPMC sẽ áp dụng triệt để các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.
Tình Lê
Nhiều liveshow vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc
Nhiều liveshow của các ca sĩ nổi tiếng như Bằng Kiều, Khánh Ly, Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc… đã bị đưa vào danh sách các vụ việc bị khởi kiện vì xâm phạm quyền tác giả.
No comments