Kể chuyện làng: Đi xem nhà cổ bên cánh đồng xanh
Tiếp tôi tại cổng khu vườn, anh Thi Lý Toản (50 tuổi) cho hay, ngôi nhà cổ này do ông bà cố xây dựng đã hơn 100 năm nay. Mặc dù bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh nên có tu sửa một số chi tiết, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo, mới lạ của nó so với thời kỳ bấy giờ, vừa mang nét hiện đại vừa mang nét Á đông. Theo lời kể của má tôi, nơi đây đã từng là điểm liên lạc, hoạt động Cách mạng của các chiến sĩ Hòa Vang trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Ngôi nhà cổ này có chiều dài 8,45 mét, chiều ngang 6,6 mét và cao 6 mét (đến nhổn). Tường xây bằng gạch dày 0,5 mét, với 4 mái lợp ngói âm dương. Mặt trước có 3 cửa ra, vào. Ngôi nhà được xây dựng với sự kết hợp hài hòa kiến trúc của 2 nền văn hóa Đông - Tây, cụ thể là ba phong cách kiến trúc "Việt - Pháp – Chămpa". Theo đó, hình dáng là biệt thự kiểu Pháp, mái nhà mang hình dáng nhà Việt, cổng vòm là kiến trúc La Mã, ở trên cuốn vòm có "hoa văn hoạ tiết" theo kiến trúc Champa. Cửa ra vào bằng gỗ mít. Xây dựng tuy cao vậy nhưng trận lụt "lịch sử" năm Thìn (1964) và trận lụt lớn "tầm cỡ" vào năm 1999, nước dâng vào nhà lên 1,7 mét.
Anh Toản cho biết: Nhà xây dựng trong 3 năm, tuồng gỗ và lát trên gát bằng gỗ sến, gạch và ngói âm dương có xuất xứ từ làng gốm Thanh Hà (Hội An – Quảng Nam). Theo cụ Thi Lý Mùi, chú ruột của anh Toản cho biết: "Trên rừng Quảng Nam, cây sến cao tới 30-35m, nằm trong nhóm gỗ "lục thiết" là "đinh, lim, sến, táu, trai, nghiến". Gỗ sến thì màu đỏ tím, có dầu, nên đình chùa đổ nát rồi, mà lấy gỗ sến ra xẻ thì bên trong vẫn tươi mềm. Trong các gỗ ăn mòn sắt, thì gỗ đinh đứng sau sến, được xếp là gỗ cứng như sắt. Các gỗ khác thì mềm hơn. Thời ông nội tôi cho người khai thác và dùng trâu kéo về.
Anh Toản đưa chúng tôi lên căn gác, nơi đặt nhiều bàn thờ của ông bà, chúng tôi còn thấy hàng chục nồi mười, nồi ba, nồi bảy bằng đồng; những bức hoành phi sơn son thiếp vàng cổ kính. Đặc biệt, phía bên trái có cái buồng nhỏ, chung quanh bằng gỗ, anh Toản cho biết, đó là nơi che giấu cán bộ cách mạng hoạt động, hội họp…
Một điều khá lý thú mà anh Toản cho biết là ở khu vực này như là "ốc đảo", khi xưa chưa đường ôtô cũng như không có đường sông, suối vào nên việc chuyển gạch ngói, đá Thanh Hóa bằng đường sông từ Hội An qua sông Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang) về sông Yên đến thôn La Châu (xã Hòa Khương) đưa lên bờ gửi nhà người thân, từ đó cứ mỗi mùa lụt là huy động 5 – 7 ghe chở các vật liệu xây dựng nói trên về nhà, phải qua 3 mùa lụt (3 năm) mới vận chuyển hết nguyên vật liệu nói trên.
Ngôi nhà này đã hơn 100 năm tuổi, trong vườn rộng 4.000 m2, cây cối rợp bóng mát, hòn non bộ, ghế đá cho khách ngồi uống trà, uống rượu bên hòn non bộ khá đẹp với những cảnh "ngư- tiều – canh - mục". Trong vườn, chúng ta còn bắt gặp những nông cụ như: cối xay lúa bằng tre, cối "săn" giã gạo, "gàu dai một thuở", gàu sòng, nhủi cá, cái nơm, áo tơi… tất cả, làm sống lại nét văn hoá đặc sắc của ngàn năm cư dân lúa nước trong khu vườn rộng bốn mùa cây trái…
Điểm xuyết lối đi vào khu vườn nhà cổ còn có hai hàng cau nở hoa thơm ngát rất hữu tình rắc những hoa cau rơi rụng thơm ngát trên lối đi, bên đồng lúa vụ Đông - Xuân xanh non thì con gái. Những năm qua, ngôi nhà cổ này được nhiều du khách tham quan, tìm hiểu.
Chúng tôi rời nhà cổ lúc nắng vàng xiên xiên qua những hàng cau, ven cánh đồng lúa xanh mơn mởn, nhưng những bàn tay tiễn biệt còn vẫy mãi nơi ngoài vòm cổng cũ xưa, khiến lòng người lữ khách bâng khuâng tấc dạ. Họ mong có ngày về thăm lại "nhà cổ vườn xưa", gặp lại những con người ân tình mộc mạc ở chốn quê.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments