Quảng Nam: Mở thông cánh cửa quá khứ của làng, xã ở Tam Kỳ qua cuốn sách “làng xã xưa”
Chia sẻ với Dân Việt, đại diện UBND thành phố Tam Kỳ cho biết: Cuốn sách "Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ" gồm 6 phần, với gần 300 trang kèm với các nội dung: một số làng xã xưa và đặc điểm của làng xã xưa trên địa bàn thành phố; đình miếu và một số lễ cúng tại đình miếu ở làng xã xưa; nhân vật ở làng xã xưa cùng các nghề truyền thống ở làng xã xưa.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: Thành phố Tam Kỳ là địa danh hành chính còn "khá trẻ", so với bề dày lịch sử của vùng đất Hà Đông - Tam Kỳ.
Quá trình hình thành và định danh Tam Kỳ được xác định đã có từ xa xưa, ít nhiều được các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, mong ước có một công trình khảo cứu toàn diện, đầy đủ về các mặt của đời sống văn hóa - xã hội ở vùng đất thuộc thành phố Tam Kỳ ngày nay, hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, thành phố trẻ Tam Kỳ đang trên đà phát triển không thể thiếu nguồn tài nguyên "nội sinh" là những vốn quý mang tính truyền thống của địa phương. Vì vậy, việc hệ thống các tư liệu có liên quan từng xuất hiện trong quá khứ có thể giúp phác họa lại một số mặt của diện mạo các làng xã xưa (mà nay thuộc địa bàn thành phố Tam Kỳ).
"Trên tinh thần đó, UBND thành phố Tam Kỳ đã đề nghị Ban biên soạn gồm một số nhà nghiên cứu văn hóa là người dân địa phương giàu tâm huyết. Họ đã có nhiều năm điền dã ở làng xã trên địa bàn giúp hình thành một chuyên khảo bước đầu về một số vấn đề của làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ.
Tuy thời gian thực hiện đề tài "Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ" không dài nhưng công trình nghiên cứu đã kịp hoàn tất. Với gần 300 trang bản thảo, Ban biên soạn đã làm việc rất cẩn trọng, tỉ mỉ, khoa học từ bước điền dã đến việc xử lý thông tin… Việc khảo tả qua tư liệu, sử liệu gốc có cơ sở xác tín, giúp mọi người nhận diện được những giá trị vật thể, từng làm nên diện mạo về làng xã xưa của thành phố Tam Kỳ", ông Lai nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lai, cuốn sách "Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ" là công trình chào mừng kỷ niệm 115 năm phủ lỵ Tam Kỳ (1906-2021), 15 năm thành lập thành phố (2006-2021).
"Hy vọng, cuốn sách này sẽ góp phần đáng kể để mở thông cánh cửa về quá khứ của địa phương Tam Kỳ. Từ đó, các tầng lớp nhân dân thành phố có thể tham khảo để có thông tin bổ ích, phục vụ cho công tác và những nhu cầu của cuộc sống, để thêm yêu và trân quý quê hương xứ sở. Đồng thời, tập sách này góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của vùng đất Tam Kỳ đến bạn đọc gần xa…", ông Lai phấn khởi cho biết.
Dù không phải là người con sinh ra, lớn lên tại thành phố Tam Kỳ nhưng chị Nguyễn Thị Thúy Phương (quê gốc tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) rất thích thú, mê đọc cuốn sách "Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ".
"Tôi mới được người bạn tặng cuốn sách này, cầm cuốn sách trên tay, tôi có thêm kiến thức về lịch sử của các đình, làng, xã, địa danh có ở Tam Kỳ thời xưa. Dù không phải là người sinh ra tại Tam Kỳ, nhưng với bản thân là người dân Quảng Nam tôi mong muốn được tìm hiểu nhiều về lịch sử, văn hóa không chỉ ở thành phố Tam Kỳ mà tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung...", chị Phương nói.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Thúy Phương, đối với thế hệ trẻ của chúng ta hôm nay, không những được trao dồi kiến thức lịch sử của nước Việt mà chúng ta còn phải học hỏi, tìm hiểu về lịch sử bản địa của nhiều nơi trên mọi miền đất nước.
"Qua đọc sơ lược, bản thân tôi thấy cuốn sách "Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ" rất có ý nghĩa đối với tôi cũng như gia đình tôi. Chúng tôi hiểu hơn về thời xưa, lịch sử hình thành những ngôi đình, làng, xã của thành phố thuộc Quảng Nam như hiện nay.
Tôi hy vọng những chứng tích lịch sử của đình, làng, xã cũng như văn hóa Tam Kỳ có trong cuốn sách này sẽ được UBND thành phố Tam Kỳ truyền đạt rộng rãi đến với thế hệ mai sau, nhất là việc truyền đạt cho các em học sinh", chị Phương chia sẻ.
No comments