Họa sĩ 9x Trần Nguyên: “Tranh đề tài nông thôn gần gũi, gắn liền với tôi như máu mủ” - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Họa sĩ 9x Trần Nguyên: “Tranh đề tài nông thôn gần gũi, gắn liền với tôi như máu mủ”

Cuối năm 2021, những bức tranh với đề tài thôn quê của họa sĩ trẻ Trần Nguyên đã được đăng tải trên mạng xã hội và nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, chia sẻ. Nhiều người xem bình luận rằng, họ thấy rưng rưng khi nhìn thấy ký ức qua những khung cảnh dung dị, gần gũi như cả gia đình quây quần gói bánh chưng, bà đan chổi dưới sân, mẹ băm bèo...

Trần Nguyên - tác giả của những bức tranh  -sinh năm 1990 trong một gia đình thuần nông tại Xuân Trường (Nam Định). Mê vẽ từ khi còn rất nhỏ, anh thi vào ngành Thiết kế mỹ thuật (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), sau đó đảm nhiệm vị trí đồ họa tại công ty game của Nhật Bản. Không tìm thấy niềm vui trong công việc, Trần Nguyên quyết định xin nghỉ và trở thành một họa sĩ tự do như hiện tại.

Họa sĩ 9x Trần Nguyên và hành trình vẽ lại những ký ức làng quê - Ảnh 1.

Họa sĩ 9x Trần Nguyên. (Ảnh: NVCC)

PV Dân Việt đã cuộc trò chuyện với anh về tình yêu dành cho làng quê và hội họa:

Từ khi nào, anh bắt đầu sáng tác những bức tranh mang đậm dấu ấn làng quê?

- Nếu nói về việc vẽ tranh quê từ khi nào thì phải nhắc tới đồ án tốt nghiệp của tôi, khi còn theo học khoa Thiết kế mỹ thuật, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đề bài trường đưa ra là chọn một kịch bản phim mà mình thích nhất và thiết kế lại bối cảnh thời kỳ đó. Sau khi đọc qua rất nhiều kịch bản, tôi thấy kịch bản phim "Những đứa con của làng" rất phù hợp và gần gũi, nằm trong sự hiểu biết của mình. 

Tôi đã chọn kịch bản này và tái hiện lại một khung cảnh của làng quê Bắc Bộ những năm 80. Yêu cầu của đề bài là vẽ và thiết kế lại 12 bối cảnh chính (12 tranh sơn dầu), 36 cảnh phụ (36 tranh chì) và một mô hình.

Sau khi hoàn thành đồ án tôi đạt được điểm tuyệt đối. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy để tôi tập trung sáng tác về đề tài làng quê sau này.

Họa sĩ 9x Trần Nguyên và hành trình vẽ lại những ký ức làng quê - Ảnh 2.

Bức tranh "Chợ quê" của họa sĩ Trần Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Anh có nhớ bức tranh làng quê đầu tiên mà mình đã hoàn thành?. Ý tưởng của anh khi đó là gì và anh đã hoàn thiện nó trong bao lâu?

- Sau khi ra trường và sáng tác, "Quê nhà" là tác phẩm tôi sáng tác đầu tiên. Ý tưởng chính là vẽ về khung cảnh của làng quê Bắc Bộ xưa. Căn nhà ba gian 2 trái¸ giếng nước, hình ảnh người mẹ cho gà ăn để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm và cảm hứng sáng tác.

Tôi sinh ra từ làng quê, được sống và học tập trên mảnh đất quê hương, với bao kỷ niệm và ký ức tuổi thơ. Đề tài nông thôn rất gần gũi, gắn liền với tôi như là máu mủ và trái tim vậy. Sau này khi đi học, đi làm xa quê, nét quê dần mai một nên tôi luôn hướng về quê hương xứ sở.

Tôi mong muốn tái hiện lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa xưa, cũng như để thế hệ trẻ thời nay thấy được vẻ đẹp của làng quê thông qua tranh, hay những người đã từng trải qua khi nhìn tranh có thể tìm về bầu trời tuổi thơ của mình.

Được biết, nhiều sáng tác anh lấy cảm hứng từ chính căn nhà gia đình từng sống (Xuân Trường, Nam Định). Những ký ức ấu thơ, những người thân trong gia đình đã được anh tái hiện trong tranh như thế nào?

- Đúng vậy. Trong bộ tranh tôi vẽ có nhiều tác phẩm tôi vẽ bằng chính ký ức của tôi, đến thời điểm hiện tại không còn hình ảnh cụ thể nữa. Khi vẽ những tác phẩm này cảm xúc của tôi dâng trào vì tuổi thơ của tôi giống hệt như thế. Hình ảnh ông ở nhà trông cháu kể chuyện trên chiếc chõng tre, hình ảnh bà ngồi băm bèo, mẹ giặt quần áo vào lúc bình minh… là những ký ức tôi không bao giờ quên được.

Họa sĩ 9x Trần Nguyên và hành trình vẽ lại những ký ức làng quê - Ảnh 3.

Bức tranh "Dưới mái hiên nhà". (Ảnh: NVCC)

Dòng tranh phong cảnh, làng quê đã có rất nhiều họa sĩ theo đuổi. Điều gì đã khiến những bức tranh của anh có hồn sắc riêng và tạo được ấn tượng với công chúng?

- Có rất nhiều họa sĩ đã vẽ và khai thác dòng tranh này, mỗi họa sĩ đều vẽ rất đẹp với những cảm xúc và phong cách khác nhau. Nét riêng trong những bức tranh của tôi có lẽ là tông màu của hoài cổ, màu của thời gian. Trong mỗi tác phẩm, đều có những ký ức tuổi thơ của từng người trong đó.

Khó khăn nhất của việc theo đuổi dòng tranh này là gì?

- Cái khó khăn nhất là nhà cổ bây giờ hầu như không còn được nguyên trạng, tất cả đều được sửa sang, mất nhiều chi tiết cổ xưa. Để vẽ ra được hồn quê, tôi phải nhớ lại khung cảnh tuổi thơ của mình, dùng những kiến thức về lịch sử, mỹ thuật, điện ảnh đã được học và tài liệu thực tế kết nối lại với nhau. Một bức tranh cần có mang lại ý nghĩa và nội dung đẹp, nhưng vẫn phải đúng chuẩn mực lịch sử.

Họa sĩ 9x Trần Nguyên và hành trình vẽ lại những ký ức làng quê - Ảnh 4.

Bức tranh "Chiều quê". (Ảnh: NVCC)

Sau khi đăng tải, những bức tranh của anh thu hút một lượng lớn người xem trên mạng xã hội. Điều này có giúp giá tranh của anh tăng cao, cũng như lượng khách hàng của anh đông đảo, phong phú hơn?

- Bộ tranh làng quê của tôi gồm hơn 60 tác phẩm. Từ những tác phẩm đầu tiên, tôi đã đăng lên mạng xã hội và được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Sức lan tỏa mỗi ngày một lớn, nhiều người yêu thích và ngỏ ý muốn mua về thưởng thức. Đó cũng chính là động lực để mình sáng tác thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa.

Có thể thấy, trong các bức tranh của anh tràn ngập ánh nắng, sắc hoa và sự bình yên, trong trẻo. Đó có phải cũng chính là cái nhìn, hay nói cách khác là cách nghĩ của anh về cuộc sống của mình hiện tại?

- Tất cả tranh của tôi đều có nắng vì nắng rất đẹp, cũng là tượng trưng cho niềm vui và hy vọng, niềm tin vào cuộc sống về tương lai. Nắng sớm, ban trưa, xế chiều, mỗi khoảnh khắc sẽ có một nét đẹp khác nhau làm tranh thêm sinh động và cảm xúc. Đó cũng là cái suy nghĩ tích cực nên có của mỗi người, kết nối những hoài niệm và ký ức xưa lại, mặc dù hoài niệm đã qua. 

Chúng ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng ký ức tuổi thơ trong mỗi con người không bao giờ mất đi, mà sẽ luôn trường tồn và vẹn nguyên trong tâm khảm.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Họa sĩ 9x Trần Nguyên và hành trình vẽ lại những ký ức làng quê - Ảnh 5.

Bức tranh "Đầu xuân". (Ảnh: NCVV)

No comments